Bất chấp việc nền kinh tế đứng đầu thế giới đã khiến các nhà dự báo ngạc nhiên về khả năng phục hồi, các tổ chức cho vay vẫn cắt giảm số lượng nhân viên hoặc công bố kế hoạch cắt giảm, ngoại trừ JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất nước Mỹ.
Theo hồ sơ của công ty, dưới sức ép về lãi suất cao trong hoạt động kinh doanh thế chấp, 5 ngân hàng lớn xếp sau JPMorgan Chase đã cắt giảm tổng cộng 20.000 vị trí trong năm nay.
Động thái này được đưa ra sau đợt bùng nổ tuyển dụng kéo dài hai năm vào thời đại dịch COVID-19. Nhu cầu tuyển dụng đã lắng xuống khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất từ năm ngoái để hạ nhiệt nền kinh tế. Các ngân hàng bỗng nhiên nhận thấy dư thừa nhân viên trong một môi trường mà ngày càng ít người tiêu dùng tìm kiếm các khoản vay thế chấp.
Ông Chris Marinac, Giám đốc nghiên cứu tại Janney Montgomery Scott, tin rằng các ngân hàng đang nỗ lực cắt giảm mọi chi phí có thể vì tình hình năm tới thực sự không chắc chắn.
Chuyên gia Marinac đánh giá làn sóng sa thải nhân viên trong ngành tài chính có thể gây áp lực lên thị trường lao động nói chung của Mỹ vào năm 2024. Đối mặt với tình trạng vỡ nợ ngày càng tăng trong các khoản vay doanh nghiệp và tiêu dùng, các ngân hàng sẵn sàng cắt giảm sâu hơn vào năm tới.
Ông nói: “Họ cần tìm đòn bẩy để giữ cho doanh thu không bị giảm thêm và có tiền để dự phòng khi ngày càng có nhiều khoản nợ xấu. Tại vào thời điểm chúng ta bước sang tháng 1 năm tới, rất nhiều ngân hàng sẽ thực hiện cắt giảm”.
Các ngân hàng vẫn công bố tổng số nhân viên hàng quý. Theo đó, mức giảm sâu nhất là ở Wells Fargo và Goldman Sachs - những ngân hàng đang phải vật lộn với vấn đề sụt giảm doanh thu của các hoạt động kinh doanh chủ chốt. Mỗi ngân hàng đều đã cho thôi việc khoảng 5% lực lượng lao động trong năm nay.
Tại Wells Fargo, động thái cắt giảm vị trí công việc diễn ra sau khi ngân hàng này tuyên bố chuyển hướng chiến lược khỏi hoạt động kinh doanh thế chấp vào tháng 1. Và mặc dù đã sa thải 50.000 nhân viên trong ba năm qua để cắt giảm chi phí, ngân hàng này vẫn chưa hoàn thành mục tiêu tinh gọn số lượng nhân viên.
Giám đốc tài chính Mike Santomassimo cho biết hầu hết các bộ phận của ngân hàng này đều bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm. Ông nói với các nhà phân tích: “Chúng tôi vẫn còn cơ hội để giảm số lượng nhân viên. Mức giảm hiện nay vẫn ở mức thấp”.
Trong khi đó, sau nhiều lần cắt giảm trong năm qua, các giám đốc điều hành của Goldman Sachs tuyên bố họ đã đạt được “quy mô phù hợp” và dự báo sẽ không có đợt sa thải hàng loạt khác như hồi đầu tháng 1 năm nay.
Nhưng số lượng nhân viên vẫn tiếp tục giảm tại ngân hàng có trụ sở tại New York này. Năm ngoái, Goldman Sachs đã đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên hàng năm, trong đó những người có hiệu suất thấp sẽ bị cho thôi việc. Theo một người thạo tin, trong những tuần tới, ngân hàng này sẽ lại sa thải khoảng 1% hoặc 2% nhân viên.
Số lượng người lao động cũng sẽ giảm xuống do Goldman Sachs chuyển hướng khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Ngân hàng này đã đồng ý bán hai doanh nghiệp gồm một đơn vị quản lý tài sản và công ty cho vay công nghệ-tài chính GreenSky. Thương vụ đó sẽ hoàn tất vào những tháng tới.
Yếu tố chính thúc đẩy cắt giảm nhân viên là tình trạng nhảy việc trong ngành tài chính đã chậm lại đáng kể so với những năm trước, khiến các ngân hàng có nhiều nhân lực hơn dự báo.
Trong khi đó, JPMorgan lại là ngoại lệ. Năm nay, ngân hàng này đã tăng số lượng nhân viên thêm 5,1%, nhờ việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mua lại ngân hàng First Republic. Ngay cả sau đợt tuyển dụng rầm rộ trên, JPMorgan vẫn còn hơn 10.000 vị trí trống.
Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành Jamie Dimon kể từ năm 2006, JPMorgan đã hoạt động tốt nhất trong môi trường lãi suất tăng cao, tìm cách thu hút tiền gửi và tăng doanh thu trong khi các ngân hàng nhỏ hơn đang gặp khó khăn. Đây là đơn vị duy nhất trong số 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có cổ phiếu tăng giá đáng kể trong năm nay.