Theo các chuyên gia hàng không, tác động tức thì của việc Boeing thông báo dừng sản xuất máy bay 737 có thể chưa rõ ràng vì một khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho phép máy bay 737 MAX hoạt động trở lại thì ưu tiên đầu tiên của các hãng hàng không là chuẩn bị cho các máy bay 737 MAX trong đội bay của họ hoạt động trở lại. Sau đó, các hãng hàng không sẽ hướng tới việc tiếp nhận chuyển giao 400 máy bay đã được sản xuất kể từ khi lệnh cấm bay 737 được áp dụng.
Các nhà phân tích ước tính Boeing có thể chuyển giao tối đa 70 máy bay/tháng cho các khách hàng, có nghĩa là để khắc phục tình trạng tồn đọng này hãng sẽ cần tới gần 6 tháng, thậm chí nếu Boeing dừng sản xuất máy bay trong giai đoạn này.
Theo các quan chức Mỹ, FAA có thể sẽ chưa cho phép máy bay 737 hoạt động trở lại ít nhất đến tháng 2/2020 hoặc có thể tới tháng 3/2020. Trong khi đó, các cơ quan quản lý hàng không khác trên thế giới, trong đó có châu Âu và Trung Quốc, cho biết việc cấp phép hoạt động trở lại cho máy bay 737 có thể còn kéo dài hơn.
Trước đó, Boeing ngày 16/12 đã quyết định tạm thời ngừng sản xuất máy bay 737 MAX kể từ tháng 1/2020, vụ dừng sản xuất lớn nhất trong hơn 20 năm qua của Boeing, khi các hệ quả của hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới dòng máy bay này tiếp tục kéo dài sang năm 2020.
Boeing cho biết sẽ ưu tiên chuyển giao 400 máy bay 737 MAX mà hãng đã sản xuất kể từ khi dòng máy bay này bị cấm hoạt động trên toàn cầu. Giám đốc Máy bay Thương mại của Boeing Stan Deal nói rằng động thái mới nhất của Boeing sẽ giúp hãng thuận lợi hơn trong việc khôi phục hoạt động và chuyển giao các máy bay đã sản xuất một khi dòng 737 MAX được phép “cất cánh” trở lại.
Hiện tại, các hãng hàng không trên thế giới đã tiếp nhận hơn 370 máy bay 737 MAX kể từ khi Boeing giới thiệu dòng máy bay này vào tháng 3/2017 cho đến khi lệnh cấm bay được áp dụng vào tháng 3/2019.