Trong thông báo, FAA nêu rõ cơ quan này sẽ đảm nhiệm hoàn toàn quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn cho các máy bay 737 MAX mới. Quyết định mới sẽ được áp dụng với hơn 300 máy bay 737 MAX đã được hoàn thiện và đang nằm trong kho của Boeing.
FAA đang vấp phải sự chỉ trích của các nhà lập pháp Mỹ cho rằng hãng phó thác cho Boeing quá nhiều khâu trong quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn cho máy bay. Các quan chức FAA bị chỉ trích dường như không biết nhiều về hệ thống kiểm soát bay mới của của loại máy bay này và chỉ dựa vào phân tích, kết quả thử nghiệm của các nhân viên Boeing, những người do các thanh tra của FAA chịu trách nhiệm giám sát.
Boeing bày tỏ mong muốn tháng 12/2019 sẽ nối lại hoạt động giao hàng cho các hàng hãng không và tháng 1/2020 sẽ nhận được sự chấp thuận của FAA cho phép các hãng hàng không Mỹ sử dụng trở lại loại máy bay này. Tuy nhiên, FAA cho biết có rất nhiều sức ép đối với việc sớm đưa loại máy bay này trở lại hoạt động thương mại. FAA đã từ chối đưa ra một khung thời gian cho việc cấp giấy phép để các máy bay Boeing 737 MAX có thể cất cánh trở lại mà chỉ xác nhận cần nhiều thời gian để kiểm tra vấn đề an toàn của máy bay.
Trong nhiều tháng qua, FAA đã đánh giá những giải pháp nâng cấp phần mềm với hệ thống an toàn bay tự động trên Boeing 737 MAX cũng như những thay đổi về tập huấn và hệ thống của mẫu này nhằm đảm bảo an toàn.
Mới đây, ngày 22/11, Boeing đã tung ra phiên bản mới nhất của dòng máy bay 737 MAX , mang tên 737 MAX 10, được trang bị phiên bản nâng cấp của hệ thống điều khiển bay, hay còn gọi là Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), vốn được cho là yếu tố chính dẫn tới hai vụ tai nạn máy bay nói trên.
Boeing đã giảm bớt hoạt động sản xuất máy bay 737 MAX sau khi dòng máy bay đắt hàng nhất của hãng bị cấm bay trên toàn thế giới vì 2 vụ rơi máy bay 737 MAX của Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 và của Ethiopian Airlines (Ethiopia) hồi tháng 3/2019 khiến 346 người thiệt mạng.