Theo báo cáo của Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 13/7, trong tháng 6/2021, số chuyến bay thương mại khôi phục hoạt động đã đạt tỷ lệ gần 54% so với 2 năm trước - thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát và lây lan toàn cầu. Kết quả này đạt được nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng tại các quốc gia châu Âu cũng như quyết định của EU nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch bệnh.
Ông Benjamin Smith, CEO của hãng hàng không Air France-KLM cho biết giờ đây việc đi lại bằng đường hàng không trong khu vực châu Âu và Địa Trung Hải trở nên dễ dàng hơn. Nhu cầu đi lại ở khu vực này đang ngày càng gia tăng. Hiện các máy bay của Air France-KLM đều đã hoạt động hầu hết tới các điểm du lịch như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Trong khi các tuyến đường bay tới châu Á và Mỹ Latinh vẫn đóng cửa.
Từ ngày 1/7 EU đã thực hiện cấp chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số nhằm hỗ trợ việc đi lại của người dân trong khối Schengen và bắt đầu mở cửa du lịch. Hiện EU đang đàm phán với Mỹ và một số quốc gia khác để công nhận chứng chỉ vaccine này của châu Âu.
Cùng với ngành du lịch, ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19. Trong làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát đầu năm nay, số chuyến bay thương mại đã giảm tới 70% so với cùng thời điểm năm 2019 trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất của châu Âu Ryanair ngày 12/7 thông báo hãng sẽ tuyển 2.000 phi công trong 3 năm tới. Số phi công này sẽ được đào tạo để điều khiển thế hệ máy bay Boeing 737-8200 do Ryanair đặt mua.
Ryanair trước đó cho biết hãng đã đặt hàng tổng cộng 210 máy bay 737-8200 và những chiếc máy bay đầu tiên trong đơn đặt hàng đã được bàn giao trong nửa đầu năm nay, và dự kiến 60 chiếc khác sẽ được bàn giao mùa Hè năm tới.
Trong tháng 4 vừa qua, Ryanair đã chở 1 triệu hành khách, tăng lên 1,8 triệu vào tháng 5 và 5,3 triệu vào tháng 6. Ryanair dự đoán sẽ chở 80 triệu đến 120 triệu hành khách trong năm tài chính 2022 (từ ngày 1/4/2021 đến ngày 31/3/2022.