5 cặp đôi nộp đơn kiện lên tòa án quận Tokyo và đôi thứ 6 nộp đơn ở Sapporo, miền bắc Nhật Bản. Vụ kiện nhằm "yêu cầu tòa xác định việc chính phủ không sửa luật là hành vi bất hợp pháp" và yêu cầu bồi thường 3.400 USD cho mỗi nguyên đơn.
Nếu Tòa án Tối cao quyết định rằng luật này không phù hợp với hiến pháp, thì luật đó sẽ được xem xét lại tại quốc hội.
Các vụ kiện pháp lý trước đây, bao gồm cả một vụ vào năm 2021, đã bị tòa án cấp cao bác bỏ, nhưng sự thay đổi tăng cường về nhận thức về những khó khăn nghề nghiệp mà phụ nữ phải đối mặt khiến cho các luật sư và người đệ đơn đằng sau vụ kiện hiện tại cảm thấy đầy hy vọng.
Makiko Terahara, luật sư dẫn đầu vụ án, người đã từng tham gia xử lý hai vụ kiện tương tự trước đó, nói: "Ở những nước khác, họ và hôn nhân không phải quan hệ đánh đổi. Nhưng ở Nhật Bản, nếu chọn cái này, bạn phải từ bỏ cái kia".
Nhóm vận động của Nhật Bản, Keidanren, đã bày tỏ sự ủng hộ vào tháng trước khi Chủ tịch Masakazu Tokura tuyên bố ủng hộ người dân được quyền lựa chọn giữ họ riêng hay theo họ vợ hoặc chồng.
Hệ thống họ đơn đã tồn tại từ năm 1898 khi Nhật Bản thông qua luật để chính thức hóa hệ thống gia đình phụ hệ.
Người chồng có thể lấy họ của vợ mình theo lý thuyết, nhưng thực tế thường là người vợ thay đổi tên. Với số lượng phụ nữ trong lĩnh vực nghề nghiệp ngày càng tăng, những người tiếp tục sử dụng tên riêng của mình tại nơi làm việc sẽ gặp rắc rối hàng ngày vì sự khác biệt giữa tên pháp lý và tên doanh nghiệp của họ.
Các nhà vận động cho hay ngoài việc xử lý thủ tục hành chính rườm rà như đổi họ trên hộ chiếu, tài khoản ngân hàng, luật hôn nhân lạc hậu còn ảnh hưởng tới những phụ nữ có sự nghiệp riêng.
Còn nếu các đôi không đăng ký kết hôn, sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi liên quan con cái, quyền thừa kế và thuế.
Yêu cầu về tên cũng gây ra những khó khăn cá nhân nghiêm trọng. Megumi Ueda, một nguyên đơn làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế, đã chọn không kết hôn hợp pháp để giữ danh tính của mình, nhưng phải trả giá bằng việc người bạn đời của cô không có quyền làm cha mẹ đối với con của họ vì Nhật Bản không cho phép quyền nuôi con chung.
Cô chia sẻ mình sống trong nỗi lo sợ rằng nếu cô qua đời, sẽ mất thời gian để chuyển giao quyền nuôi con. Cô nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần một hệ thống mới để đảm bảo mọi người đều có thể hạnh phúc hơn khi kết hôn”.
Machiko Osawa, nhà kinh tế lao động tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản, cho biết, mặc dù có sự ủng hộ rộng rãi cho việc thay đổi luật, nhưng Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ của Nhật Bản là trở ngại chính cho sự thay đổi. Cương lĩnh của đảng ủng hộ việc duy trì các giá trị gia đình truyền thống.
Hai nguyên đơn khác là ông Yukio Koike, 66 tuổi và bạn đời Yukari Uchiyama, 56 tuổi. Họ có ba người con, kết hôn mỗi khi con chào đời để được hưởng quyền nuôi con chung, sau đó ly hôn.
"Chúng tôi làm thế vì muốn tôn trọng đối phương", Koike nói. "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc xóa họ của bản thân".
Tuy nhiên, những người ủng hộ luật hiện hành cho rằng sử dụng một họ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ gia đình và những hành động thúc đẩy thay đổi luật là đòn tấn công vào giá trị truyền thống.