Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Tổng thống Joko Widodo ngày 25/7 tuyên bố rằng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có hiệu lực từ tháng 7 sẽ được kéo dài thêm một tuần, nhưng một số biện pháp sẽ được nới lỏng.
Các đơn vị kinh doanh như chợ truyền thống, cửa hàng sửa xe và nhà hàng sẽ được phép mở cửa trở lại có điều kiện. Trong khi đó, các trung tâm thương mại được tạo điều kiện hoạt động với 25% công suất ở khu vực không thuộc “vùng đỏ”.
Ông Pandu Riono tại Đại học Indonesia phân tích: “Quyết định này dường như không liên quan đến đại dịch mà là liên quan kinh tế”. Ông khuyến khích người dân duy trì các biện pháp phòng dịch.
Nhà dịch tễ học Dicky Budiman tại Đại học Griffith (Australia) phân tích: “Vấn đề là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, y tế Indonesia năm 2020 không lớn bằng hiện nay do đã xuất hiện biến thể Delta”.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang ghi nhận trên 56.000 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày vào giữa tháng 7.
Có tới hơn 50% người lao động Indonesia làm việc trong các ngành kinh tế không chính thức và nhận được hỗ trợ tài chính hạn chế. Do vậy, ông Dicky nhận định rằng chính phủ nước này không có nhiều lựa chọn.