Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Petkov nêu rõ: "Trong các thỏa thuận thực sự sau hai ngày tới, có một quy định Bulgaria được phép miễn trừ (khỏi lệnh cấm) cho tới cuối năm 2024".
Tối 30/5, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, qua đó nhất trí cấm vận dầu do Nga cung cấp bằng đường biển, trong khi hoạt động vận chuyển bằng đường ống sẽ tiếp tục diễn ra bình thường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết sẽ có các miễn trừ tạm thời cho những quốc gia thành viên EU không giáp biển, chẳng hạn như Hungary và Cộng hòa Séc.
Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, thỏa thuận của EU nhằm cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu của Nga sẽ buộc Moskva phải cung cấp dầu thô với mức giá thấp hơn cho các bên khác.
Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 31/5 khẳng định EU sẽ không thảo luận về lệnh cấm vận khí đốt nhằm vào Nga bởi theo ông, "dầu mỏ của Nga dễ dàng bù đắp hơn nhiều... khí đốt là điều hoàn toàn khác, do đó lệnh cấm vận khí đốt sẽ không phải là chủ đề trong gói trừng phạt tiếp theo".
Trong diễn biến liên quan, ngày 31/5, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Koichi Hagiuda khẳng định nước này quyết tâm tiếp tục dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 với Nga. Ông nhấn mạnh Sakhalin-2 là một dự án mà những người tiền nhiệm của Nhật Bản đã rất nỗ lực để đạt được. Ông nhấn mạnh Nga có thể là chủ sở hữu đất, nhưng quyền cho thuê, cũng như thiết bị vận chuyển và hóa lỏng khí, thuộc về các doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản.
Sakhalin-2 là một trong những dự án dầu khí tích hợp, định hướng xuất khẩu lớn nhất thế giới, cũng như dự án LNG ngoài khơi đầu tiên của Nga. Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản nắm giữ 12,5% cổ phần trong dự án này, tập đoàn Mitsubishi có 10%. Trong khi đó, tập đoàn Gazprom của Nga nắm 50% cổ phần dự án Sakhalin-2.