Thậm chí, nhóm 21 nghị sĩ Bảo thủ đã cùng phe liên minh các đảng bỏ phiếu ủng hộ dự luật nhằm ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện Brexit không thỏa thuận.
Các nghị sĩ đã thông qua luật ngăn chặn Thủ tướng Johnson đưa nước Anh ra khỏi EU không thỏa thuận vào ngày 31/10, bác lại 2 lần đề xuất kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 của Thủ tướng Johnson. Thay vào đó, các nghị sĩ muốn ông Johnson tập trung vào thỏa thuận Brexit mới với EU và nếu như ông không đạt được thỏa thuận với EU vào ngày 17/10, thì Thủ tướng Johnson sẽ phải thực thi theo luật mới được Quốc hội thông qua là viết thư đề xuất EU gia hạn lùi ngày nước Anh rời EU tới ngày 31/1/2020.
Những kịch bản Brexit có thể xảy ra
Phát biểu trước khi Quốc hội bước vào 5 tuần tạm ngưng hoạt động, Thủ tướng Johnson tuyên bố Chính phủ sẽ thúc đẩy đàm phán với EU trong những tuần tới, cho dù những gì Hạ Viện làm những ngày qua đã "trói tay" làm khó ông trên bàn đàm phán với EU, nhưng ông sẽ nỗ lực để đạt được một một thỏa thuận Brexit mới với EU vì lợi ích quốc gia.
Tập trung trong 5 tuần tới của Chính phủ là tiến hành đàm phán với EU về kế hoạch chốt chặn tại đường biên giới trên đảo Ireland. Theo đó, kế hoạch này sẽ được bỏ đi hay điều chỉnh lại, nhằm đảm bảo tránh đường biên giới cứng trên đảo Ireland và Anh cũng không bị rơi vào thế "phải tuân theo các quy định" của EU. Một số nhà bình luận chính trị Anh đưa ra 4 kịch bản có thể xảy ra đối với tiến trình Brexit từ nay cho đến ngày 31/10:
Kịch bản 1: Nếu như ông Johnson đạt được một thỏa thuận mới với EU vào ngày 17/10 và được Quốc hội Anh thông qua thì nước Anh sẽ rời EU có thỏa thuận vào đúng ngày 31/10 như cam kết. Tuy nhiên, vấn đề đường biên giới Ireland cho dù có được Chính phủ Thủ tướng Johnson và EU đưa ra được một giải pháp mới thay thế kế hoạch chốt chặn thì cũng không có gì đảm bảo thỏa thuận mới này sẽ được Hạ Viện thông qua, vì hiện giờ đảng Bảo thủ đã mất đa số ghế ủng hộ tại Hạ Viện sau khi ông Nick Boles, cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ đã chuyển sang thành nghị sĩ độc lập tại Hạ Viện. Khả năng Anh rời EU có thỏa thuận đúng ngày 31/10 tới là không cao, nhưng cũng không thể hoàn toàn loại trừ.
Kịch bản 2: Nếu ông Johnson không đạt được thỏa thuận Brexit mới với EU, ông sẽ ký thư đề nghị EU gia hạn ngày Anh rời EU đến 31/1/2020 để chấp hành đúng luật, nhưng sau đó ông sẽ từ chức để giữ đúng nguyên tắc mình đặt ra là không lùi ngày Anh rời EU, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử. Đây được đánh giá là khả năng cao nhất hiện nay.
Kịch bản 3: Nước Anh bằng cách nào đó sẽ tiến hành Brexit không thỏa thuận vào ngày 31/10. Có nhiều đồn đoán cho rằng khi ông Johnson không đạt được thỏa thuận mới với EU, ông sẽ cố gắng phớt lờ luật chống Brexit không thỏa thuận của Quốc hội bằng cách đưa vấn đề này lên tòa án tối cao Anh. Tuy nhiên, nếu ông Johnson không đạt được thỏa thuận với EU thì các nghị sĩ có khoảng thời gian 1 tuần để chặn Brexit không thỏa thuận - nếu cần họ sẽ lật đổ Chính phủ của ông Johnson bằng cuộc bỏ phiếu bất tin nhiệm. Do vậy, khả năng thực hiện Brexit không thỏa thuận vào ngày 31/10 là điều khó xảy ra.
Kịch bản 4: Nước Anh sẽ tiến tới cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về vấn đề Brexit sau ngày 31/10. Hiện nay ít người nói đến tình huống này, nhưng một số nhà bình luận chính trị Anh tin rằng nếu kêu gọi trưng cầu dân ý lần hai sẽ thu hút được sự chú ý của các phe. Việc kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần 2 còn được cho là do ông Johnson sẽ nhận ra việc tiến hành tổng tuyển cử ở giai đoạn này là điều rủi ro lớn vì sự nổi lên của đảng Dân chủ Tự do và những người mang chủ nghĩa dân tộc Scotland.
Nước Anh có tổng tuyển cứ sớm?
Các đảng chính trị lớn hiện nay đều đồng thuận cho rằng Anh cần cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Đảng Bảo thủ muốn tổng tuyển cử diễn ra trước Brexit và trước ngày họp hội đồng EU vào ngày 17/10. Tuy nhiên, những nghị sĩ đối lập đã quyết định đợi cho đến khi loại bỏ hoàn toàn khả năng Brexit không thỏa thuận xảy ra mới tính đến tiến hành tổng tuyển cử.
Tuy không muốn tổng tuyển cử diễn ra trước ngày 17/10, nhưng tổng tuyển cử trong năm nay là điều gần như chắc chắn. Bằng việc chặn không cho diễn ra tổng tuyển cử trong tháng 10, Công đảng, đảng Dân chủ Tự do và đảng Dân tộc Scotland (SNP) tin rằng Thủ tướng Johnson sẽ không có lựa chọn nào buộc phải đề xuất lui lại ngày Anh rời EU đến sau ngày 31/10 như thời hạn đã ấn định trước đây.
Ông Johnson đã lên ngôi Thủ tướng vì ông đã cam kết trong đảng Bảo thủ dứt khoát đưa nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10, nên việc phải gia hạn lùi ngày sẽ rất ảnh hưởng đến uy tín của ông cũng như cơ hội thắng cử của ông sau này.
Ông Johnson cần phải thể hiện mình là một người quyết đoán hơn so với người tiền nhiệm của mình đối với vấn đề Brexit thì ông mới có thể nhận được lá phiếu ủng hộ từ những người trong nhóm ủng hộ rời EU. Việc trì hoãn tổng tuyền cử lại sau vài tuần so với đề xuất của Thủ tướng Johnson có thể sẽ mang lại kết quả rất khác giữa một bên là cơ hội thắng áp đảo của đảng Bảo thủ tại Hạ Viện và một bên là viễn cảnh xảy ra tình trạng quốc hội treo, tức là không đảng nào chiếm được đa số ghế tại Hạ Viện.
Khủng hoảng niềm tin trong đảng Bảo thủ
Quyết định khai trừ khỏi đảng 21 nghị sĩ Bảo thủ "nổi loạn" của ông Johnson đã gây tranh cãi chỉ trích từ nhiều nghị sĩ không chỉ trong đảng Bảo thủ mà ở các đảng đối lập tại Hạ Viện cho rằng quyết định của ông Johnson là "phi dân chủ".
Nhiều người trong số 21 nghị sĩ bị khai trừ là những người có uy tín lớn trong đảng Bảo thủ, và là những người có nhiều đóng góp trên các cương vị quan trọng trong Chính phủ Anh như các nghị sĩ Philip Hammond, Greg Clark, Rory Stewart và Nicholas Soames...
Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd đã tuyên bố từ chức để phản đối quyết định khai trừ khỏi đảng những nghị sĩ mà bà Rudd nói là những người thuộc phái ôn hòa trong đảng. Những nghị sĩ bị khai trừ này sẽ không còn là nghị sĩ đại diện cho đảng Bảo thủ nữa và họ sẽ không thể tiếp tục ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử tới, quyết định này sẽ gây cho đảng Bảo thủ thêm bất lợi trong cuộc cạnh tranh anh hưởng của đảng với các đảng khác tại London, vùng Đông Nam và Scotland.
Trong phát biểu từ chức của mình, bà Amber Rudd cho rằng việc khai trừ 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ là "hành động của chủ nghĩa bành trướng chính trị", trong khi cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague đã nhận xét quyết định này sẽ khiến những đảng viên Bảo thủ ôn hòa sẽ đi tìm "ngôi nhà mới cho mình".
Các nghị sĩ bị khai trừ đảng cho biết họ sẽ xem xét để kháng cáo lại quyết định của ông Johnson. Đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ, mất đoàn kết sâu sắc hơn nhiều so với thời bà Theresa May cầm quyền.
Những đụng độ khốc liệt hơn dự đoán sẽ diễn ra giữa Chính phủ và Quốc hội khi Quốc hội hoạt động trở lại. Khả năng sẽ có những diễn biến kịch tính đối với thân phận chính trị của Thủ tướng Boris Johnson trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các điều tra dư luận gần đây nhất, nếu diễn ra tổng tuyển cử thì khả năng đảng Bảo thủ chiến thắng đảng đối lập lớn nhất là Công đảng vẫn khá cao. Một ẩn số hiện đang được các nhà phân tích chính trị Anh tranh luận đó là những thất bại vừa qua của Thủ tướng Johnson liệu có phải chỉ là thất bại về chiến thuật còn chiến lược tổng thể của ông vẫn còn nguyên vẹn? Nói cách khác, ông Johnson đang vùng vẫy trong vòng xoáy bế tắc Brexit hay ông vẫn đang đi trong quỹ đạo chiến lược mà ông đã vạch ra là đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới?