Brazil kiên quyết chấm dứt nạn phá rừng Amazon

Ngày 17/6, Tổng thống Brazil, ông Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi tăng cường linh hoạt và đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các tổ chức tội phạm đang phá rừng Amazon.

Chú thích ảnh
Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Humaita, bang Amazonas, Brazil, ngày 16/9/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong lễ ký thỏa thuận tại Brasilia về việc cấp 318 triệu real (58,7 triệu USD) để tăng cường an ninh quốc gia ở khu vực Amazon, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh chưa bao giờ trong lịch sử Brazil, việc triển khai các biện pháp đặc biệt để bảo vệ Amazon lại thu hút sự quan tâm lớn như hiện nay. Nhà lãnh đạo tuyên bố cần nhanh chóng hành động, nếu không sẽ không thể hoàn tất kế hoạch này trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối năm 2026. 

Khoản tiền này nằm trong kế hoạch được khởi động cách đây gần 1 năm với tổng ngân sách 1,2 tỷ real (221 triệu USD). Với tên gọi chính thức "Kế hoạch Amazon: An ninh và Chủ quyền", sáng kiến nhằm tăng cường thiết bị như tàu thuyền và trực thăng để đấu tranh chống nạn chặt cây và đốt rừng Amazon - khu vực có diện tích 6,3 triệu km2. Kế hoạch này cũng bao gồm thiết lập một trung tâm hợp tác cảnh sát quốc tế tại thành phố Manaus. Trung tâm này sẽ do cơ quan chức năng các nước Nam Mỹ có lãnh thổ trong khu vực Amazon điều hành. Ngân sách cho dự án được chi từ Quỹ Amazon, một sáng kiến do quốc tế tài trợ nhằm bảo vệ rừng nhiệt đới.

Tổng thống Lula da Silva cam kết đến năm 2030 sẽ chấm dứt nạn phá rừng tại Brazil. Bất chấp những thành tựu gần đây trong việc giảm nạn phá rừng, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cảnh báo thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo bà, nếu không giảm bớt khí thải CO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thế giới sẽ mất rừng Amazon.

Thúc Anh  (TTXVN)
Brazil: Ô nhiễm thủy ngân đe dọa cộng đồng bản địa ở vùng rừng Amazon
Brazil: Ô nhiễm thủy ngân đe dọa cộng đồng bản địa ở vùng rừng Amazon

Các nhà nghiên cứu vùng rừng Amazon thuộc Brazil đã phát hiện tình trạng ô nhiễm thủy ngân phổ biến ở cộng đồng người da đỏ bản địa Yanomami sinh sống ở các "điểm nóng" khai thác vàng trái phép. Đây là kết quả nghiên cứu công bố ngày 5/4, cảnh báo tác động nghiêm trọng của ô nhiễm thủy ngân đối với sức khỏe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN