Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) Brazil công bố ngày 28/2, các vệ tinh của viện này đã phát hiện 2.940 vụ cháy rừng trong tháng 2/2024 - cao hơn tới 67% so với mức cao ghi nhận trước đó là 1.761 vụ hồi tháng 2/2007 và cao gấp 4 lần so với tháng 2/2023. Phần phía Bắc của rừng nhiệt đới Amazon là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là tại bang Roraima - nơi có khu bảo tồn bản địa Yanomami.
Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu môi trường Amazon (IPAM) - bà Ane Alencar cho rằng yếu tố khí hậu chắc chắn đóng vai trò cơ bản trong sự bất thường này, trong đó việc Trái Đất liên tiếp trải qua các mốc kỷ lục mới về nhiệt độ trung bình đã cộng hưởng với các hiện tượng khí hậu như hạn hán. Từ tháng 6 - 11/2023, hạn hán đã tàn phá rừng Amazon khu vực thuộc Brazil, gây ra những đám cháy lớn, làm giảm hoặc làm cạn lượng lớn trữ lượng nước, gây thảm họa cho động vật hoang dã và ảnh hưởng đến hàng triệu người.
Nghiên cứu công bố hồi tháng trước của World Weather Attribution (WWA) - dự án khoa học nhằm định lượng mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cường độ và khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan cụ thể - xác nhận biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra “hạn hán đặc biệt” ở rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này. Theo bà Alencar, tình trạng tiêu cực của môi trường tạo điều kiện cần thiết để các đám cháy mở rộng quy mô. Ngoài ra, một số đám cháy có thể là hậu quả của việc phát quang rừng để làm nông nghiệp.
Thực tế, nạn phá rừng ở Brazil năm 2023 đã giảm 50% so với năm 2022 trong bối cảnh chính phủ nước này tăng cường kiểm soát môi trường và đặt mục tiêu chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Dù vậy, dữ liệu vệ tinh cho thấy 5.152 km2 có rừng che phủ đã biến mất ở khu vực rừng nhiệt đới của Brazil trong năm 2023.