Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Fortaleza (Brazil), Bộ trưởng Marinho tuyên bố nước này sẽ đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, cũng như sẽ thúc đẩy và bảo vệ việc phân bổ công bằng của cải trên thế giới.
Ông Marinho nhấn mạnh cam kết của Brazil không chỉ giới hạn ở việc tạo việc làm mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi công bằng theo hướng bền vững, theo đó đã điều chỉnh các mục tiêu về khí hậu và giảm nạn phá rừng ở khu vực Amazon. Bộ trưởng Marinho cho rằng “cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề của tương lai mà là của ngày hôm nay và ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như việc làm”. Ông cũng cảnh báo về những rủi ro mà người lao động có thể gặp phải khi nhiệt độ trên Trái Đất ngày càng tăng.
Cũng tại hội nghị trên, Bộ trưởng Lao động Ấn Độ Shobha Karandlaje kêu gọi các quốc gia lên kế hoạch khẩn cấp về giảm phát thải, cho rằng đây là yếu tố cần thiết cho việc chuyển đổi công bằng, bền vững, hướng tới kinh tế xanh.
Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra tại thành phố Rio de Janiero của Brazil, tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho biết tài sản của 1% nhóm người giàu nhất hành tinh đã tăng thêm 42.000 tỷ USD trong thập niên qua, gấp gần 36 lần tổng tài sản của 50% dân số nghèo trên khắp thế giới. Các tỷ phú phải trả mức thuế chưa tới 0,5% tài sản và cứ 5 tỷ phú trên thế giới lại có 4 người là công dân các nước thuộc G20.
Oxfam - tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu chống đói nghèo và bất bình đẳng toàn cầu, nhấn mạnh tỷ lệ đánh thuế người siêu giàu đã giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử, đồng thời cảnh báo tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng giữa nhóm siêu giàu với phần còn lại của thế giới.
Theo dự kiến, tại hội nghị trên, các bộ trưởng tài chính của G20 - nhóm hiện chiếm 80% GDP toàn cầu, sẽ thảo luận cách đánh thuế mới đối với người siêu giàu và người có thu nhập cao, cũng như cách thức ngăn chặn các tỷ phú trốn thuế. Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và các nước thuộc Liên minh châu Phi (AU) đều bày tỏ sự ủng hộ đối với vấn đề này, nhưng Mỹ kiên quyết phản đối.