Một cơ sở lọc dầu của Công ty dầu khí quốc gia Brazil Petrobras ở Araucaria, bang Paraná (Brazil). Ảnh: GAZETA DO POVO/TTXVN
Theo ông Silveira, không có mâu thuẫn nào giữa việc gia nhập OPEC+ và các cam kết về môi trường của Brazil, quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 30 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) vào tháng 11 tới.
Bộ trưởng Silveira khẳng định: "Đây là thời khắc lịch sử đối với Brazil, mở ra một chương mới trong lịch sử đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng... Đây chỉ là một diễn đàn để thảo luận về các chiến lược của các quốc gia sản xuất dầu mỏ. Brazil cần tăng trưởng, phát triển và tạo ra thu nhập và việc làm".
Brazil là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 7 thế giới với khoảng 4,3 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 4% sản lượng toàn cầu. Năm 2024, dầu thô là sản phẩm xuất khẩu chính của nền kinh tế số một Mỹ Latinh với kim ngạch 44,8 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và vượt mặt hàng đậu tương.
Phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính sách Năng lượng Quốc gia, ông Silveira tuyên bố Brazil sẽ là quốc gia đầu tiên tham gia Hiến chương Hợp tác OPEC, một diễn đàn đối thoại trong cấu trúc của cơ chế mà các nước OPEC và OPEC+ sẽ tham gia.
Bộ trưởng Silveira cũng công bố quyết định của Chính phủ Brazil về việc nước này gia nhập Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế.
Trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ ba bắt đầu từ năm 2023, Tổng thống Brazil Lula da Silva luôn khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường và đã nỗ lực giảm nạn phá rừng ở rừng rậm nhiệt đới Amazon. Tuy nhiên, ông Lula da Silva cũng cho rằng nguồn thu từ dầu mỏ mới có thể tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Trong những tuần gần đây, Chính phủ Brazil vận động cơ quan quản lý môi trường chấp thuận khoan thăm dò dầu khí gần cửa sông Amazon, một trong những khu vực có đa dạng sinh học nhất thế giới.