Diện tích rừng bị phá do khai thác gỗ, cháy rừng và phát quang để trồng trọt trong khoảng thời gian trên đã tăng tới 34,4% so với diện tích 7.536km2 bị tàn phá trong một năm trước đó (từ tháng 8/2017- 7/2018) và là năm thứ 3 liên tiếp gia tăng. Diện tích rừng Amazon bị phá nhiều nhất trong lịch sử Brazil là vào năm 1995, với 29.059 km2.
Con số thống kê lần này của INPE cũng cao hơn 3,76% so với số liệu ước tính của chính tổ chức này đưa ra tháng 11/2019, sau khi đã hoàn chỉnh các thuật toán theo Dự án Giám sát hoạt động phá rừng Amazon bằng Vệ tinh (PRODES). Phương pháp này tính toán diện tích rừng bị phá thông qua phân tích 229 ảnh chụp của vệ tinh Landsat, cho phép nhận dạng các diện tích rừng bị phá từ 6,25ha trở lên.
Đáng chú ý là diện tích rừng bị phá này vẫn chưa bao gồm phần lớn diện tích rừng bị thiêu rụi trong các vụ cháy lớn hồi năm ngoái, với khói bụi lan tới các thành phố lớn của Brazil và tạo ra những hình ảnh chấn động toàn cầu, do các vụ cháy này bắt đầu từ tháng 4 và đạt đỉnh điểm vào tháng 8 - thời điểm INPE đã ngừng khảo sát trong năm (chỉ tính từ đầu tháng 8 năm trước tới hết tháng 7 năm sau).
Theo dự đoán của INPE, diện tích rừng Amazon thuộc Brazil bị tàn phá trong năm nay sẽ vẫn tiếp tục đà tăng khi các vụ chặt hạ và mở rộng canh tác vẫn không ngừng lại, bất chấp lệnh giãn cách xã hội do các địa phương của quốc gia Nam Mỹ này ban bố.
Được mệnh danh là “lá phổi của hành tinh”, khi hấp thụ tới 1/4 lượng khí CO2 mà cây xanh trên toàn cầu “xử lý”, Amazon có tổng diện tích khoảng 6,1 triệu km2, trong đó khoảng 60% nằm trên lãnh thổ Brazil, và có thảm thực vật đa dạng nhất thế giới với khoảng 15.000 loài.
Từ những năm 1950, diện tích rừng Amazon không ngừng bị thu hẹp và theo ước tính của Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), khu rừng này đã mất 12% diện tích vốn có. Mặc dù trong những năm qua, tốc độ phá rừng đã giảm, nhưng ước tính tới năm 2050, Amazon sẽ mất thêm từ 9-28% diện tích tự nhiên.