Các đối tượng trên có tuổi từ 20 - 47, bị cáo buộc ngày 26/6 tội "phá hoại tài sản liên bang", tội danh có thể khiến họ phải lĩnh án tới 10 năm tù mỗi người.
Văn phòng công tố ở thủ đô Washington cho biết một người trong số này đã bị bắt ngày 26/6 và đã bị đưa ra trình diện trước một thẩm phán ngày 27/6. Ba đối tượng còn lại đã được xác định danh tính nhưng chưa ra hầu tòa.
Quyền Trưởng công tố thủ đô Washington Michael R. Sherwin cho biết: "Các cáo buộc trên sẽ là một lời cảnh báo với những ai chọn cách báng bổ các bức tượng và công trình tưởng niệm trong thủ đô".
Trước đó, tối 22/6, một nhóm người biểu tình đã tấn công bức tượng cựu Tổng thống Johnson, một người từng ủng hộ chế độ nô lệ, nắm quyền từ năm 1865-1869, ở Công viên Lafayette gần Nhà Trắng. Họ đã phủ vải quanh tượng và tìm cách kéo đổ bức tượng.
Kể từ sau cái chết của công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd do một sĩ quan cảnh sát da trắng gây ra ngày 25/5, người Mỹ đã chứng kiến làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc mạnh mẽ. Bên cạnh các cuộc biểu tình, một số bức tượng của các nhà lãnh đạo từng ủng hộ chế độ nô lệ đã bị phá đổ.
Trong một diễn biến liên quan, Đại học Princeton đã quyết định đổi tên Trường các vấn đề công và quốc tế Wilson trực thuộc, sau khi cho rằng cựu Tổng thống Woodrow Wilson từng có những chính sách phân biệt chủng tộc.
Theo quyết định trên, trường chính sách công Wilson sẽ được đổi tên thành Trường các vấn đề chính sác công và quốc tế Princeton. Tuy nhiên, Giải thưởng Woodrow Wilson sẽ vẫn giữ nguyên tên.
Ông Wilson từng là hiệu trưởng trường học này trước khi trở thành Thống đốc bang New Jersey, và Tổng thống Mỹ năm 1913-1921.