Các vị bộ trưởng tài chính từ các nền kinh tế lớn trên thế giới cho biết những nỗ lực của G20 là câu trả lời “cứng rắn” đối với những người phản đối quá trình toàn cầu hóa. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schaeuble, Chủ tịch luân phiên của phiên họp lần này, cho biết ông và các người đồng cấp đã thống nhất cùng thúc đẩy những sáng kiến kinh tế có thể đẩy nhanh hơn đà tăng trưởng kinh tế. Các nhà lãnh đạo khác cho rằng tốc độ tăng trưởng cao hơn là cần thiết để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các quốc gia.
Tại hội nghị các bộ trưởng tài chính cũng thảo luận về tình hình căng thẳng gia tăng trong nội bộ các nước G20 liên quan đến những yêu cầu mới từ phía Mỹ đối với các đối tác thương mại được cho là “cướp” đi hàng triệu việc làm của người dân Mỹ. Cuộc họp này được “khúc dạo đầu” cho hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng diễn ra tại Washington trong tuần này.
Hội nghị thường niên IMF - WB diễn ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như những lo ngại về địa chính trị như cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, các cuộc xung đột tại Trung Đông, cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của vùng Catalunya ở Tây Ban Nha và nhiều điểm nóng khác...
Nhiều lãnh đạo tài chính thế giới đang lo lắng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Trump sẽ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" như thế nào và liệu các chính sách này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu hay không khi làm gia tăng sức ép bảo hộ thương mại, cũng như các xáo trộn thị trường xuất phát từ những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Triều Tiên và nhiều nơi khác.