Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ở Washington, ngày 14/1. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngày 4/2, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất Mỹ kiểm soát Dải Gaza, với mục tiêu tái phát triển khu vực này sau khi nhiều công trình bị phá hủy trong cuộc xung đột kéo dài 15 tháng giữa Israel và Hamas. Ông Trump còn nhắc lại lập trường trước đó rằng người Palestine nên được di dời đến các nước láng giềng, bằng chi phí do các quốc gia đó chi trả. Khi được hỏi về khả năng triển khai quân đội Mỹ để thực hiện kế hoạch này, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ “làm những gì cần thiết”.
Ngày hôm sau, trên kênh Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã lên tiếng làm rõ khả năng quân đội Mỹ can thiệp vào Gaza. Ông Hegseth nói: “Chúng ta còn một khoảng thời gian dài trước khi có thể xem xét điều đó”. Ông đồng thời cho biết các cuộc thảo luận nghiêm túc giữa Tổng thống Trump, các quan chức an ninh quốc gia và các đồng minh sẽ phải diễn ra trước khi đưa ra quyết định này.
Bộ trưởng Hegseth cũng nhấn mạnh Israel muốn hoàn thành nhiệm vụ chống Hamas, đưa các con tin trở về và Washington sẽ hỗ trợ Tel Aviv thực hiện điều đó. Tuy nhiên, ông cho rằng việc sử dụng quân đội Mỹ là điều không mong muốn, nếu không thật sự cần thiết. Ông đồng tình với tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng cần phải suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ trong vấn đề Gaza, đồng thời nhấn mạnh rằng thông qua các cuộc thảo luận, các kịch bản mới có thể được xem xét.
Ngày 4/2, Thủ tướng Netanyahu đã khen ngợi ông Trump vì tư duy phi truyền thống của ông và cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ về Gaza có thể thay đổi lịch sử.
Đề xuất của ông Trump đã bị chỉ trích nhiều trên trường quốc tế. Giới lãnh đạo Palestine đã lên án kế hoạch này, cho rằng nó vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Các quốc gia Arab lân cận - bao gồm Saudi Arabia, Iran, Jordan và Ai Cập - cũng lên tiếng phản đối và ủng hộ quyền ở lại Gaza của người Palestine.