Hé lộ nguồn tài nguyên là ‘nhân tố bí ẩn’ của kế hoạch tiếp quản Gaza

Nguồn tài nguyên được ví là "vàng vô hình" này được cho là nhân tố bí ẩn đằng sau kế hoạch "tiếp quản" Gaza của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng Mỹ "sẽ tiếp quản" Dải Gaza, trong khi những người Palestine sống ở đó nên được di dời đến Jordan hoặc Ai Cập. Một trong những lý do quan trọng nhất nhưng bị bỏ qua đằng sau quyết định này là năng lượng. Cả Israel và Gaza đều có trữ lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi khổng lồ. Việc khai thác các nguồn tài nguyên này có thể giúp tài trợ cho việc tái thiết Gaza.

Nhưng theo trang Asiatimes, Tổng thống Trump cần phải hành động nhanh chóng mới có thể tận dụng cơ hội ngàn năm có một này. Một cuộc chạy đua để đẩy khí đốt tự nhiên của Nga ra khỏi châu Âu đã bắt đầu và các nhà cung cấp mới đang xếp hàng.

Các mỏ khí đốt ngoài khơi lớn của Israel - Leviathan, Tamar và Dalit - đã đi vào hoạt động hoặc đang được Chevron và một số công ty dầu mỏ cỡ trung khác của Israel thăm dò.

Vào ngày 4/2, công ty năng lượng nhà nước SOCAR của Azerbaijan đã mua 10% cổ phần tại mỏ khí đốt Tamar.

Ba tháng trước các cuộc tấn công ngày 7/10/2023, Hamas đã đạt được một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian để cho phép phát triển một mỏ khí đốt có tiềm năng quan trọng ngoài khơi bờ biển Gaza.

Sau đó, ba tháng sau ngày 7/10, Israel đã gây tranh cãi khi cấp quyền thăm dò cho các công ty Eni (Italy), Dana Energy (Anh) và Ratio Petroleum (Israel) để thăm dò khí đốt trong ranh giới hàng hải của Palestine.

Có thể thấy, trong lúc cuộc chiến ở Gaza đang diễn ra ác liệt, các dự án phát triển năng lượng lớn trong khu vực vẫn tiến triển nhanh chóng.

Đường ống Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ

Đường ống Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ được lên kế hoạch vận chuyển khí đốt từ Qatar qua Saudi Arabia, Jordan và Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu. Năm 2009, nhà lãnh đạo Syria khi đó là Bashar al-Assad đã bác bỏ dự án, và bây giờ ông Assad đã ra đi.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai tuyên bố kế hoạch có thể được khôi phục nếu "Syria đạt được toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định". Thêm vào đó, Qatar muốn đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu của mình ngoài các chuyến hàng LNG đến các đường ống.

Chú thích ảnh
Sơ đồ đường ống dẫn khí đốt Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: iraqieconomists

Và bây giờ là những diễn biến nhanh chóng, gồm: Quốc vương Qatar là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm Syria kể từ khi ông Assad sụp đổ; Ngày 4/2, nhà lãnh đạo Syria, Ahmad al-Sharaa đã đến Saudi Arabia trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của mình; Và ngày 5/2, ông al-Sharaa đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để họp với Tổng thống Erdogan.

Đường ống Ba Tư

Iran cũng có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu qua Iraq và Syria. Dự án có tên Đường ống Ba Tư này không có thông tin cập nhật nào về tiến độ kể từ năm 2016. Với chính quyền mới ở Syria và sự cô lập chính trị ngày càng gia tăng với Iran, thỏa thuận đó sẽ không sớm diễn ra.

Libya đã ở trong cuộc nội chiến/khủng hoảng chính trị đang diễn ra kể từ khi nhà độc tài Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Nhưng mọi thứ đang có vẻ khả quan hơn. Hai tuần trước, một hội nghị dầu mỏ lớn đã được tổ chức tại Tripoli với sự tham dự của nhiều người Mỹ và châu Âu. Ngày 5/2, Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Libya đã công khai kế hoạch tổ chức một hội nghị tái thiết càng sớm càng tốt.

Sở hữu trữ lượng hydrocarbon thuộc hàng lớn nhất thế giới, Libya đang hy vọng sẽ quay trở lại cuộc chơi một cách mạnh mẽ.

Tất cả các bên phải "nhanh chân"

Tại sao tất cả các quốc gia này - Israel, Qatar, Libya, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - đều hành động nhanh chóng để có khả năng phát triển nguồn cung cấp khí đốt và năng lực đường ống của họ?

Bởi vì châu Âu đang nóng lòng muốn thay thế năng lượng của Nga, và bất kỳ ai cung cấp khí đốt đó sẽ giành được quyền lực kinh tế và địa chính trị đáng kể.

Tất cả những bên này đều biết rằng họ cần phải hành động nhanh chóng trước khi cuộc xung đột ở Ukraine bị lãng quên và Nga sẽ quay trở lại.

Mỹ và EU muốn Nga rời khỏi chuỗi cung ứng năng lượng của châu Âu. Giải pháp là gì? Các nhà cung cấp khí đốt khác như Israel, Qatar và Libya. Bây giờ là lúc tất cả các bên cung cấp khí đốt trong khu vực đang phải “nhanh chân”.

Quyết định của ông Trump về Gaza

Việc di dời người Palestine từ Gaza đến Jordan và/hoặc Ai Cập có giúp bán khí đốt cho châu Âu không?

Trước hết, nó xóa bỏ một trở ngại chính trị quan trọng. Xung đột Israel-Palestine từ lâu đã là rào cản đối với sự phát triển kinh tế của khu vực.

Thứ hai, một cách riêng tư, một số quốc gia Arab đã nói với Mỹ rằng họ ủng hộ việc tấn công Hamas. Bằng cách loại bỏ hoàn toàn người Palestine khỏi Gaza, vấn đề này sẽ được giải quyết. Thêm vào đó: không có cuộc tấn công khủng bố nào nhằm vào các đội tái thiết; không có hành vi khủng bố nào ở Israel; và không có khả năng các cơ sở khí đốt bị phá hoại.

Thứ ba, kế hoạch Gaza sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phát triển khí đốt. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, các mỏ khí đốt của Gaza có thể được phát triển nhanh chóng mà không cần sự can thiệp khác từ bên ngoài. Đường ống có thể được xây dựng mà không có mối đe dọa liên tục của chủ nghĩa khủng bố và/hoặc nội chiến

Thứ tư: Chia để trị. Nếu phần lớn dân số Gaza vẫn ở đó thì gần như không thể hoàn thành được bất cứ điều gì. Chia họ ra và gửi một số đến Ai Cập và phần còn lại đến Jordan sẽ làm cạn kiệt bất kỳ động lực nào còn lại, đặc biệt là khi Gaza mới được xây dựng lại và lời hứa về sự phát triển kinh tế trở thành hiện thực.

Và cuối cùng, theo Bloomberg, việc xây dựng lại Gaza có thể tốn hơn 80 tỷ USD. Ai đó phải trả tiền và đó sẽ không phải là người nộp thuế Mỹ. Doanh thu từ khí đốt tự nhiên là giải pháp rõ ràng.

"Phần thưởng"

Nếu chiến lược mới với Gaza hiệu quả, phần thưởng cho Tổng thống Trump - và chính sách đối ngoại của Mỹ - có thể rất lớn:

Ở viễn cảnh khả quan nhất, có thể là một sự bình thường hóa quan hệ Saudi-Israel do ông Trump làm trung gian. Thậm chí, cao hơn nữa, có thể dẫn tới một hiệp định Trung Đông rộng lớn hơn, tích hợp Syria, Liban, Israel, Jordan, Saudi, UAE và Qatar vào một hiệp ước kinh tế khu vực.

Quyết định của Tổng thống Trump về việc đưa người Palestine khỏi Gaza có vẻ cực đoan. Nhưng khi nhìn qua lăng kính của chiến lược năng lượng, điều đó có thể lý giải. Còn lúc này, chúng ta chỉ có thể chờ xem liệu chính quyền của ông có thể thực hiện một trong những động thái chính sách đối ngoại phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ hay không.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)
Israel chuẩn bị kế hoạch di dời người dân khỏi Gaza
Israel chuẩn bị kế hoạch di dời người dân khỏi Gaza

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị kế hoạch cho phép người dân Gaza tự nguyện rời đi, truyền thông Israel đưa tin ngày 6/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN