Châu Âu cần tăng cường sản xuất quốc phòng để bảo vệ chính mình và Ukraine vì Mỹ có thể sẽ giảm sự can dự vào lục địa này trong thời gian tới, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với tờ Welt trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Ukraine đang phải đối mặt với tình thế ngày càng khó khăn trên chiến trường khi thiếu đạn dược, trong khi tranh luận ở Quốc hội Mỹ đang ngăn cản việc cung cấp thêm hỗ trợ.
Ông Pistorius lưu ý rằng châu Âu có thể phải thay thế viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu Quốc hội Mỹ không phê duyệt nguồn tài trợ mới.
Đồng thời, Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí, thứ mà châu Âu cần cạnh tranh mà không cần phụ thuộc vào Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng Đức nói thêm.
"Châu Âu nên tham gia nhiều hơn vào việc đảm bảo an ninh trên lục địa của mình. Chúng ta có khoảng 5-8 năm để bù đắp những gì đã mất, xét từ góc độ lực lượng vũ trang, ngành công nghiệp và xã hội”, ông Pistorius nói.
Ông tin rằng Washington sẽ bắt đầu chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối thập kỷ này. Vì vậy, châu Âu cần phải sẵn sàng và xem xét các mối đe dọa tiềm tàng đối với các nước vùng Baltic, Gruziaa và Moldova một cách “rất nghiêm túc”.
"Đây không chỉ là lời nói suông. Chúng ta có thể phải đối mặt với những nguy hiểm vào cuối thập kỷ này. Nhưng đến lúc đó chúng tôi sẽ sẵn sàng ứng phó”, ông Pistorius nói.
Tranh cãi nội bộ ở Mỹ đã gây ra lo ngại cho EU và Ukraine. Gói tài trợ trị giá hơn 60 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị cho Ukraine đã bị đình trệ trong bối cảnh tranh chấp chính trị tại Quốc hội Mỹ và sự phản đối của các bộ phận trong Đảng Cộng hòa khẳng định bất kỳ khoản viện trợ nào thêm cho Ukraine hoặc Israel đều phải bao gồm những thay đổi đáng kể đối với chính sách nhập cư và an ninh biên giới của Mỹ.
Quốc hội Mỹ đã thất bại trong việc đạt được thỏa thuận trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Đông kéo dài ba tuần vào ngày 15/12. Chỉ còn lại 1 tỷ USD, nguồn tài trợ cho Ukraine dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng một tháng.