Bộ trưởng Mỹ kêu gọi Iran đàm phán - Trừng phạt các đối tác của Tehran

Ngày 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã hối thúc Iran tham gia các cuộc thảo luận với Mỹ nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng tại vùng Vịnh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hồi cuối tháng trước, ông Esper khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Tehran và muốn can dự bằng con đường ngoại giao. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng ông sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran, đồng thời bày tỏ hy vọng phía Iran sẽ có thiện chí đàm phán để giải quyết những vấn đề tại khu vực.

Về sứ mệnh hải quân bảo vệ tuyến đường vận tải trên biển ở vùng Vịnh, Bộ trưởng Esper cho biết đến nay có 3 nước tham gia vào sứ mệnh này là Anh, Australia và Bahrain. Theo quan chức quốc phòng Mỹ, các quốc gia khác sẽ có thể nhanh chóng tham gia và chiến dịch đã giúp ổn định khu vực.

Trong một động thái liên quan, ngày 28/8, Mỹ đã đưa hai nhóm doanh nghiệp của Iran vào danh sách trừng phạt, khẳng định đây là những đối tác quan trọng của Iran trong chương trình phát triển tên lửa. Mọi tài sản của hai mạng lưới này trên đất Mỹ sẽ bị phong tỏa, các cá nhân và tổ chức Mỹ cùng các tổ chức quốc tế không được phép hợp tác làm ăn với các đối tượng bị trừng phạt.

Phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tài chính Mỹ đã phát hiện “Mạng lưới Dehghan” của Hamed Dehghan và Hadi Dehghan thu mua và cung cấp “các linh kiện điện tử cấp độ quân sự” cho một công ty cơ khí của Iran có mối quan hệ hợp tác với quân đội và Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) của nước này. Hai người này hoạt động thông qua công ty của mình mang tên Ebtekar Sanat Ilya và một công ty bình phong đặt trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) là Green Industries (Hong Kong) Limited.

Nhóm doanh nghiệp thứ hai là “Mạng lưới Shariat”, do Seyed Hossein Shariat điều hành và tập trung vào công ty Asre Sanat Eshragh của nhân vật này, cũng bị liệt vào "danh sách đen" do hành vi cung cấp các sản phẩm hợp kim nhôm cho những tổ chức của Iran đã bị trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của họ.

Căng thẳng Mỹ- Iran tái bùng phát kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vì cho rằng thỏa thuận chưa chặt chẽ. Từ đó, Mỹ dần tái áp đặt và gia tăng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán. Một năm sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng tuyên bố điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết nêu trong thỏa thuận.

Căng thẳng song phương liên tục leo thang sau các sự cố với các tàu chở dầu ở vùng Vịnh mà Washington cáo buộc Iran đứng sau trong khi Tehran bác bỏ. Iran cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ vì cho rằng máy bay này vi phạm không phận Iran, một cáo buộc mà Washington luôn phủ nhận. Mới đây nhất, Mỹ thông báo muốn bắt giữ tàu chở dầu của Iran vừa được chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh trả tự do, đồng thời yêu cầu tất cả các quốc gia trong khu vực không hỗ trợ tàu này nếu không sẽ bị trừng phạt.

Minh Châu (TTXVN)
Tổng thống Mỹ không thay đổi lập trường cứng rắn đối với Iran
Tổng thống Mỹ không thay đổi lập trường cứng rắn đối với Iran

Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 27/8 tuyên bố việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani về chương trình hạt nhân của Tehran không đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ thay đổi lập trường cứng rắn đối với Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN