Giải quyết tình trạng này là trách nhiệm của Bộ trưởng phụ trách xử lý vấn đề cô đơn và bị cô lập của người dân - một vị trí nội các mới hình thành tại Nhật Bản.
Trước tình trạng số trường hợp tự tử tăng mạnh trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã bổ nhiệm ông Tetsushi Sakamoto (71 tuổi) đảm nhận chức "Bộ trưởng Cô đơn" từ tháng 2.
Kênh DW (Đức) cho biết các chuyên gia y tế Nhật Bản chào mừng Bộ trưởng Cô đơn đầu tiên của nước này bởi sức khỏe tâm thần đang ngày càng đáng lo ngại trong nhóm người cao tuổi, nữ lao động, nhân viên bán thời gian và người thất nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc ông Tetsushi Sakamoto đảm nhận trọng trách khá lớn. Thành viên lâu năm của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền này cần phải đưa ra được những chính sách để giảm thiểu tình trạng cô lập xã hội.
Trong một cuộc họp vào tháng 3, ông Tetsushi Sakamoto nhấn mạnh: “Việc chúng ta hiểu rõ được bản chất của cô đơn và bị cô lập là vô cùng cần thiết. Bởi khi đó chúng ta sẽ thiết lập được một hệ thống kế hoạch, kiểm nghiệm và thi hành chính sách liên quan tại các ban ngành liên quan”.
Ông Sakamoto nêu bật nhiệm vụ đầu tiên là nhận diện được những người bị cô lập, cô đơn và những cá nhân có nguy cơ bị đẩy ra bên lề xã hội.
Những quốc gia khác, như Anh, cũng có bổ nhiệm chức danh tương tự với quan chức phụ trách việc đưa những cá nhân tách biệt quay trở lại với xã hội. Ông Sakamoto cho biết Nhật Bản hy vọng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia khác.
Khi Nhật Bản ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch COVID-19, hàng trăm nghìn người đã bị giảm giờ làm làm hoặc mất việc. Sinh viên không còn việc làm thêm và lo lắng về việc nộp học phí. Nhưng nhóm chịu nhiều rủi ro về thu nhập nhất là lao động trong ngành du lịch, dịch vụ khách hàng… và phụ nữ.
Giám đốc dịch vụ tư vấn qua điện thoại TELL Lifeline - bà Vickie Skorji nhận định: “Thật đáng lo ngại khi chứng kiến số phụ nữ tự tử ngày càng tăng. Nhiều trong số đó đã mất việc bán thời gian cũng như thu nhập của họ đồng thời phải nhận khối lượng công việc lớn trong gia đình hoặc chăm sóc cho người thân cao tuổi. Chúng tôi đặc biệt nhận thấy các bà mẹ đơn thân không giải quyết tốt được những tình huống này”.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế, năm 2010, Nhật Bản ghi nhận 31.600 trường hợp tự tử, con số này giảm xuống còn 20.169 trường hợp trong năm 2019. Nhưng đến năm 2020, con số này tăng mạnh trở lại sau 11 năm với 20.919 trường hợp tự tử. Theo bà, việc bổ nhiệm Bộ trưởng Cô đơn là bước đi tốt đầu tiên của chính phủ để giải quyết vấn đề.