Dư luận Trung Quốc phẫn nộ với du khách leo trèo, vẽ bậy lên di tích trăm năm tuổi

Ngành du lịch Trung Quốc dường như đã phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ gần đây. Tuy nhiên, một số người dân của nước này đang bị chỉ trích vì có những hành vi kém văn minh và thiếu ý thức các khu di tích nổi tiếng.

Chú thích ảnh
Du khách trèo lên cây tre tại khu chùa Thiếu Lâm linh thiêng ở Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Ảnh: Handout

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động kéo dài 5 ngày vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã ghi nhận 230 triệu chuyến du lịch, tăng 103% so với cùng kỳ năm 2019.

Song các địa điểm thu hút khách du lịch ở Trung Quốc đại lục đã phải chứng kiến nhiều hành vi thô lỗ của người dân đến tham quan, như trèo lên những bức tường cổ, vẽ bậy lên những tấm bia hàng thế kỷ. 

Tại Tây An, cố đô cổ đại của Trung Quốc nổi tiếng với Tượng binh mã Tần Thủy Hoàng (hay còn gọi là Đội quân Đất nung), một số du khách bị bắt gặp trèo lên tường thành cổ, khiến nhiều viên gạch rơi xuống. Đây được biết đến một trong những điểm tham quan chính của thành phố, được xây dựng cách đây hơn 600 năm, theo China Youth Daily.

Trong một video được đăng tải vào tuần này, một nhóm người lớn được nhìn thấy đang leo lên bức tường bên ngoài thành cổ Tây An để chụp ảnh, trong khi những người khác đỡ con của họ trèo lên trên khu di tích này chơi đùa.  

Những hành vi này đã trở nên phổ biến đến mức trung tâm dịch vụ của điểm du lịch phải sửa chữa lại cấu trúc cổ sau mỗi đợt du lịch cao điểm, một nhân viên của trung tâm cho biết.

Do bức tường được xây dựng vào những ngày đầu của triều đại nhà Minh (1368-1644) trên di tích từ thời nhà Đường (618-907), dài tổng cộng 13,7 km, do đó nhân viên cho biết khu di tích “không thể bố trí nhiều nhân viên giám sát mọi lúc”.

Các hành vi kém văn minh khác bao gồm ngồi trên lan can để chụp ảnh và cởi giày ở nơi công cộng.

Chú thích ảnh
Du khách leo trèo lên bức tường thành cổ ở Tây An, Trung Quốc. Ảnh: Handout

Thiếu Lâm tự ở tỉnh Hà Nam, thiền viện Phật giáo nổi tiếng thu hút đông đảo du khách, cũng xuất hiện những hành vi khó có thể chấp nhận được. Một thiếu niên đã được nhìn thấy vẽ trên một tấm bia cổ. Theo chữ ký của người khắc, tấm bia này có tuổi đời hơn 500 năm.  

Những dòng chữ theo phong cách nghệ thuật đường phố graffiti cũng được khắc trên thân cây tre gần chùa. 

Chú thích ảnh
Những dòng chữ theo phong cách graffiti được để lại trên một di tích cổ ở miền trung Trung Quốc. Ảnh: Handout

Thậm chí, những dòng chữ như "... đã ở đây", "...và... 1314", là minh chứng của một cặp đôi hứa hẹn sẽ bên nhau trọn đời, cũng xuất hiện tại đây. Một nhóm người lớn thậm chí còn trèo lên cây tre và khuyến khích con mình làm theo, khiến cây bị đổ. Khi được hỏi tại sao trèo lên cây, một người lớn thản nhiên nói "để tập thể dục".

Chú thích ảnh
Khách du lịch tự khắc tên mình lên thân cây tre cổ thụ ở Thiếu Lâm tự. Ảnh: Handout

Quản lý các điểm du lịch đã nỗ lực tìm nhiều biện pháp để đối phó với những khách du lịch “thiếu văn minh” này.

Công viên rừng quốc gia Huangzangyu ở tỉnh An Huy đã phải trục xuất 2 du khách vào hôm 3/5 sau khi cặp đôi này trèo lên hàng rào an toàn của một cây cầu kính nhằm gây ấn tượng với người khác và chụp ảnh. Dù cây cầu có độ cao khoảng 200 mét so với mặt đất, nhưng những người đàn ông vẫn vô tư biểu diễn màn trình diễn "Người nhện", bất chấp những tiếng la hét cảnh báo nguy hiểm từ những du khách khác.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông trèo lên hàng rào an toàn của cây cầu ở An Huy để gây ấn tượng. Ảnh: Weibo

Quản lý bức tường thành cổ Tây An lại có biện pháp sáng tạo hơn trong việc ngăn chặn các hành vi thiếu ý thức. Nhân viên của khu di tích sẽ cử một nhóm đàn ông cải trang giống như những binh lính thời nhà Đường để cảnh báo du khách một cách lịch sự.

"Khi nhìn thấy những khách du lịch như vậy, các binh sĩ của chúng tôi sẽ tiếp cận và yêu cầu họ dừng hành động đó, theo cách thường được áp dụng ở thời nhà Đường", Guo Hui, phát ngôn viên của khu di tích nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Điều gì khiến thủ đô Moskva của Nga là thành phố xanh nhất thế giới?
Điều gì khiến thủ đô Moskva của Nga là thành phố xanh nhất thế giới?

Theo WorldAtlas, 54% diện tích Moskva được bao phủ bởi các công viên và vườn hoa công cộng, đưa thủ đô nước Nga trở thành thành phố xanh nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN