Giấy phép đặc biệt này do Bộ Tài chính Mỹ cấp ngày 25/8/2021 và có hiệu lực cho đến ngày 28/2/2022 cho phép các cơ quan chính phủ Mỹ và các nhà thầu của chính phủ hỗ trợ viện trợ nhân đạo cho người dân ở Afghanistan, trong đó có cả phân phối thực phẩm, thuốc men bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Taliban.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh có lo ngại cho rằng các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Taliban có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan, nước vốn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Ngày 27/8 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết nước này sẽ tiếp tục là nhà tài trợ "rất hào phóng" đối với các khoản viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, nhưng sẽ ngăn chặn bất kỳ khoản hỗ trợ nào chuyển vào ngân khố của lực lượng Taliban.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), hơn 18 triệu người, chiếm khoảng một nửa dân số Afghanistan, đang cần được viện trợ và một nửa trẻ em dưới 5 tuổi ở quốc gia Tây Nam Á này đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng giữa lúc nước này đang hứng chịu trận hạn hán thứ 2 trong vòng 4 năm qua.
*Cùng ngày, phái đoàn thường trực Pakistan tại LHQ ngày 31/8 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ Afghanistan, đồng thời trợ giúp cả những nước tiếp nhận người tị nạn từ Afghanistan.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong thông cáo phát ra, phái đoàn Pakistan tại LHQ cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực cũng như các nước trong cộng đồng quốc tế để tiến tới đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài cho Afghanistan.
Thông cáo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan và ứng phó với tình hình hiện tại một cách thận trọng, có cân nhắc và nhìn nhận thực tế tại Afghanistan. Pakistan cũng nhấn mạnh sự cam kết mang tính xây dựng của công đồng quốc tế là rất quan trọng để Afghanistan có được một chính phủ đa đại diện, đảm bảo hỗ trợ người dân sơ tán hiệu quả và giải quyết các vấn đề liên quan nhân quyền và nhân đạo ở Afghanistan.
Lời kêu gọi của Pakistan được đưa ra một ngày sau khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết đầu tiên về vấn đề Afghanistan sau khi Taliban chính thức lên nắm quyền tại quốc gia Tây Nam Á này.
Pakistan cho biết nước này là một trong các nước tuyến đầu hỗ trợ Afghanistan. Hiện hơn 10.000 người Afghanistan và nhân viên của các sứ quán, cơ quan LHQ và các tổ chức quốc tế đã được đưa ra khỏi Afghanistan một cách an toàn với sự trợ giúp của Pakistan. Pakistan cũng cho hay sẽ hỗ trợ hết sức có thể đối với LHQ và các tổ chức quốc tế để giải quyết tình hình nhân đạo tại Afghanistan.
Pakistan hiện tiếp nhận khoảng 4 triệu người tị nạn Afghanistan và bày tỏ hy vọng các nước khác cũng hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ chung tay hỗ trợ Afghanistan vượt qua thời điểm khủng hoảng này.