Ở độ tuổi lên 5, cô bé Wu Tianye quá bận rộn với thời gian biểu hàng ngày. Bên cạnh việc đi học mẫu giáo, cô bé tập trượt tuyết để rèn luyện thể lực, học vẽ tranh và âm nhạc để phát triển năng khiếu mỹ thuật cũng như thường xuyên trò chuyện trực tuyến với một giáo viên người Mỹ để duy trì lối nói tiếng Anh theo giọng bản địa.
Như thể chưa đủ, cha bé Wu còn “nhồi nhét” vào thời gian biểu của bé một khóa học STEM. Chi phí 200 nhân dân tệ (khoảng 700.000 đồng) cho mỗi buổi học, khóa học này tập trung vào việc phát triển các dự án phần mềm máy tính cho trò chơi xếp hình Lego, giúp trẻ nhỏ có thể tự lập trình và xây dựng nên những cỗ máy đồ chơi hoạt động được.
Một học sinh tìm hiểu chương trình lập trình Codemao trực tuyến. Ảnh: SCMP |
“Tôi không hy vọng con gái mình kiếm sống bằng nghề viết mã phần mềm trong tương lai, song tôi muốn chuẩn bị cho con bé trước một thế giới mà con người sẽ chắc chắn làm việc cùng người máy và tương tác với máy móc. Nó sẽ là kỹ năng đầu tiên trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, người cha Wu Yunhe, làm việc trong lĩnh vực quảng cáo tại Bắc Kinh chia sẻ.
Thực tế đáng buồn là cô bé Wu Tianye chẳng hề tỏ vẻ yêu thích khoa học hay công nghệ mặc dù đã học lớp Lego STEM nửa năm nay. Trong khi đó, người cha khẳng định anh vẫn chưa từ bỏ. “Gần 1/3 thu nhập hàng tháng của chúng tôi được chi cho giáo dục con cái. Mọi thứ ở châu Á đều cần cạnh tranh, kể cả việc làm bố, làm mẹ”, anh nói.
Tờ SCMP đưa tin, mô hình giáo dục STEM “chào đời” tại Mỹ nhưng ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc khi những “ông bố, bà mẹ hổ” ở quốc gia châu Á này muốn cho con em của mình một khởi đầu vững vàng trong lĩnh vực khoa học máy tính. “Mẹ hổ” hay “Bố mẹ hổ” là thuật ngữ miêu tả những ông bố, bà mẹ luôn đặt tham vọng cao và cực kỳ nghiêm khắc trong chuyện giáo dục con cái của mình, bắt nguồn từ cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ hổ” do giáo sư Amy Chua viết năm 2010.
Thị trường giáo dục STEM ở Trung Quốc hiện ước đạt giá trị gần 9,6 tỷ nhân dân tệ và dự kiến sẽ tăng lên 52 tỷ nhân dân tệ trong vòng năm năm tới, theo ước tính của công ty chứng khoán Soochow Securities dựa trên giả định 4% học sinh Trung Quốc dưới 18 tuổi sẽ tham gia khóa học này.
Ông Liu Yang, Giám đốc iMarsClub hướng dẫn học sinh thực hành khoa học. Ảnh; SCMP |
Những người bên trong ngành công nghiệp này tin tưởng thị trường STEM sẽ chứng kiến một cú tăng trưởng lớn sau khi Trung Quốc công bố lộ trình phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này hồi tháng 7 nhằm đưa các chương trình học liên quan đến AI vào chương trình tiểu học và trung học cũng như trang bị cho học sinh Trung Quốc kỹ năng viết mã code.
“Tôi tin nhu cầu học viết mã ở Trung Quốc sẽ ngang bằng với nhu cầu học tiếng Anh”, ông Li Tianchi, nhà sáng lập công ty công nghệ Dianmao chuyên cung cấp các khóa học viết mã code cho học sinh từ 6 – 16 tuổi khẳng định, “Thành thạo tiếng Anh là một kỹ năng cơ bản được đòi hỏi trong thời đại toàn cầu hóa trong khi viết mã sẽ trở thành một kỹ năng cơ bản trong thời đại trí tuệ nhân tạo”.
Trung Quốc hiện có gần 300 triệu người theo học các lớp tiếng Anh, một ngành lớn mạnh bao gồm các giáo viên người bản ngữ, các tổ chức đào tạo cho cả trẻ em lẫn người lớn và những trại hè ở nước ngoài. Thị trường này đã tạo ra nhiều công ty khởi nghiệp tư nhân giá trị trên 1 tỷ USD.
Ông Liu Yang, Giám đốc công ty iMarsClub - nhà cung cấp dịch vụ giáo dục STEM lớn nhất ở Bắc Kinh – cho biết một buổi học dài hai tiếng có mức phí từ 300 – 400 nhân dân tệ “không là gì” đối với các phụ huynh tầng lớp trung bình ở thành phố này. Theo ông, chẳng cần phải quảng cáo nhiều thì đa số phụ huynh vẫn hiểu rõ tầm quan trọng của việc cho con học STEM.
Trong số học sinh tại iMarsClub, khoảng 80% phụ huynh có con học lớp 3 – 4 cho biết sẽ đăng ký cho con học tiếp một năm nữa. Song chỉ có 1% phụ huynh các cháu lớp 5 – 6 có ý định cho con học lập trình thêm năm sau vì lo ngại áp lực học tập khi con bước vào trường trung học.
Năm nay, iMarsClub có 2.000 học sinh theo học ngoại tuyến, chưa bao gồm các khóa trực tuyến và thiết kế robot. Ông Liu kỳ vọng con số này sẽ gấp đôi vào năm sau.
Mặc dù đang bật tốc nhưng thị trường STEM vẫn còn khá nhỏ bé khi so sánh với tổng doanh thu 42,5 tỷ USD của ngành công nghiệp giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc. “Vì STEM chưa chính thức được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học ở Trung Quốc, hầu hết phụ huynh xem nó như một “món tráng miệng”, không gì bằng môn chính như tiếng Anh hay toán, những môn bắt buộc kiểm tra để vào được một trường đại học tốt”, ông Liu nói.