Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba ngày 21/7 cho biết nước này hoàn toàn phản đối đề xuất của EU về việc cắt giảm sử dụng khí đốt cho đến tháng 3/2023, vì điều này sẽ cản trở sản xuất điện thông qua các nhà máy chạy bằng khí đốt khi Bồ Đào Nha đối mặt với đợt hạn hán khắc nghiệt.
Ông Galamba nói với tờ Expresso rằng đề xuất của EU không giải quyết được nhu cầu thủy điện cụ thể của Bồ Đào Nha, vốn do hạn hán hiện nay buộc phải sản xuất nhiều điện hơn thông qua các nhà máy đốt khí.
Ông Galamba nói: “Bồ Đào Nha hoàn toàn phản đối đề xuất của Ủy ban châu Âu, vì không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia. Điều này không thể áp dụng cho Bồ Đào Nha”. Ông Galamba lưu ý rằng nước này, vốn không phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt từ Nga, vẫn là một "hòn đảo" năng lượng có ít liên kết năng lượng với phần còn lại của châu Âu.
Hôm 20/7, EU đã yêu cầu các quốc gia thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng cho đến tháng 3 tới sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung cấp từ Nga qua đường ống lớn nhất tới châu Âu có thể bị giảm hơn nữa và thậm chí có thể dừng lại.
Đề xuất của Ủy ban sẽ cho phép EU đưa mục tiêu này trở thành bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung, nếu EU tuyên bố về nguy cơ thiếu khí nghiêm trọng.
Theo Viện khí tượng quốc gia IPMA vào cuối tháng 6, trước đợt nắng nóng gần đây, Bồ Đào Nha đã có 96% lãnh thổ bị hạn hán nghiêm trọng hoặc cực đoan, nước trong các con đập đã bị sụt giảm mạnh, gây hại cho sản xuất điện.