BioNTech đẩy nhanh kế hoạch sản xuất vaccine ở cơ sở mới tại Đức

Ngày 10/2, công ty dược phẩm BioNTech của Đức thông báo đã bắt đầu sản xuất vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại cơ sở mới ở thành phố Marburg (bang Hessen), sớm hơn khoảng 1 tháng so với kế hoạch.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với việc cơ sở mới đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong những cơ sở sản xuất vaccine mRNA (được phát triển dựa trên việc sử dụng một dạng thức vật chất di truyền tổng hợp của virus SARS-CoV-2) lớn nhất ở châu Âu, với công suất sản xuất hàng năm lên đến 750 triệu liều vaccine COVID-19.

BioNTech có kế hoạch sản xuất tới 250 triệu liều vaccine tại đây trong nửa đầu năm 2021 và những lô hàng đầu tiên được sản xuất tại Marburg dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 4/2021.

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu về vaccine toàn cầu, BioNTech và đối tác là công ty Mỹ Pfizer đã tăng năng lực sản xuất vaccine lên đến 2 tỷ liều trong năm 2021.

Trong 24 giờ qua, các cơ quan y tế Đức ghi nhận có thêm trên 8.000 ca nhiễm mới và 813 ca tử vong. Hiện chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trong 100.000 dân đã giảm xuống 68, mức giảm mạnh so với đỉnh điểm lên tới 197,6 vào ngày 22/12/2020.

Theo nội dung dự thảo nghị quyết được Chính phủ liên bang Đức chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến giữa chính quyền trung ương và các địa phương diễn ra chiều 10/2 theo giờ Đức, Chính phủ nước này ủng hộ chủ trương kéo dài lệnh phong tỏa hiện nay thêm một tháng, cho tới ngày 14/3 tới, tuy nhiên có một số thay đổi như việc các bang sẽ tự quyết định thời điểm và hình thức mở cửa trở lại các trường học. 

Theo dự thảo, các biện pháp phong tỏa đang được áp dụng đã giúp dẫn tới giảm đáng kể số ca nhiễm mới. Lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10/2020, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày/100.000 đã giảm xuống giá trị dưới 80, thậm chí có bang, giá trị này đã giảm xuống dưới 50. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng trở lại số ca nhiễm mới vẫn hiện hữu với sự bùng phát của những biến thể mới, điều đòi hỏi cần tiếp tục có những biện pháp phòng ngừa để kiềm chế sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Do vậy, về nguyên tắc, việc hạn chế tiếp xúc hiện nay vẫn sẽ được giữ nguyên trong vài tuần tới.

Nội dung dự thảo nghị quyết nêu rõ trước sự nguy hiểm của biến thể mới của virus, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế cần phải được thực hiện cẩn trọng và từng bước, không để số ca nhiễm mới gia tăng theo cấp số nhân.

Trong dự thảo, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế tối đa tiếp xúc trong vài tuần tới, đặc biệt tránh các cuộc tụ họp ở các hộ gia đình. 

* Tại Nam Phi, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (Mỹ).

Trước đó, Nam Phi đã tạm dừng sử dụng vaccine của AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh) trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 sau khi dữ liệu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cho biết vaccine của Johnson & Johnson đã được chứng minh hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi. Tuy nhiên, ông không cho biết thời điểm tiêm chủng sẽ được triển khai.

Tập đoàn dược phẩm của Aspen của Nam Phi, một nhà sản xuất vaccine theo hợp đồng với Johnson & Johnson, tuyên bố sẽ nỗ lực sản xuất những liều vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 vào tháng 3 tới. Bộ trưởng Mkhize cho biết những vaccine được sản xuất trong nước này sẽ được tung ra thị trường vào tháng 4 tới.

Cùng ngày, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết có thể bàn giao vaccine ngừa COVID-19 trực tiếp cho các điểm tiêm chủng ở Nam Phi. Vaccine của Pfizer/BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp khoảng -70 độ C và đây là một trong những điểm hạn chế của chế phẩm này.

Nam Phi cho biết đã đảm bảo được 20 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, dự kiến sẽ được bàn giao trong quý II. Nước này dự kiến cũng sẽ tiếp nhận 117.000 liều vaccine của Pfizer/BioNTech trong quý I qua Cơ chế phân phối vaccine COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho những nước đang phát triển.

* Bộ Y tế Israel ngày 10/2 thông báo tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận thông qua xét nghiệm tại nước này đã giảm xuống còn 7,8%, mức thấp nhất trong 4 tuần.  Thông báo trên được đưa ra sau khi kết quả xét nghiệm hôm 9/2 đối với 78.000 người chỉ cho 6.062 ca dương tính.

Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Israel đang là 70.500 người, trong đó trên 5.200 ca đã tử vong. Chính phủ Israel đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng vaccine toàn dân, bao gồm cả người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây. Đến nay đã có 24% dân số nước này được tiêm vaccine cả 2 mũi.

Cùng với chiến dịch tiêm phòng, Chính phủ Israel đã quyết định nới lỏng một phần lệnh phong tỏa xã hội kể từ ngày 7/2, đồng thời tiếp tục cho phép học sinh mẫu giáo và một số học sinh tiểu học và trung học được trở lại trường, ngoại trừ các khu vực được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm “đỏ” (tương đương mức rất cao). Bộ Y tế Israel cũng đang tính toán các phương án mở cửa dần trở lại các hoạt động xã hội, như trung tâm thương mại, phòng tập thể dục, khách sạn…

Mạnh Hùng - Phương Oanh - Vũ Hội (TTXVN)
Campuchia triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc viện trợ
Campuchia triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc viện trợ

Ngày 10/2, Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa dịch COVID-19, sử dụng 600.000 liều vaccine do Trung Quốc viện trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN