New Zealand chính thức cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech 

Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của New Zealand - ông Chris Hipkins ngày 10/2 cho biết Chính phủ New Zealand đã xác nhận việc chính thức cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (của Mỹ) và BioNTech (của Đức) phối hợp bào chế.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. Ảnh:THX/TTXVN

Bộ trưởng Hipkins lưu ý các nhân viên dọn vệ sinh, y tá làm nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở cách ly được quản lý, nhân viên an ninh, hải quan và biên phòng, cũng như nhân viên hàng không và  khách sạn sẽ nằm trong diện đối tượng được ưu tiên được chủng ngừa COVID-19.

Sau sự chấp thuận tạm thời của Cơ quan quản lý y tế Medsafe của New Zealand vào tuần trước, việc chính phủ nước này chính thức cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là một bước quan trọng khác trong quá trình đảm bảo chương trình tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân nước này.

Bộ trưởng Hipkins nhấn mạnh: "Trong quá trình tiêm chủng cho lực lượng biên phòng và các nhân viên tuyến đầu khác, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận lời khuyên từ các quan chức về các loại vaccine khác trong danh mục của chúng tôi. Medsafe có các cuộc trao đổi thường xuyên với các hãng dược phẩm AstraZeneca và Janssen, đồng thời cũng bắt tay cùng Novavax. Một quy trình phê duyệt nghiêm ngặt tương tự đang được tuân thủ".

Cũng trong ngày 10/2, Bộ An toàn dược phẩm của Hàn Quốc thông báo nước này sẽ phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca bào chế và áp dụng đối với tất cả mọi người dân, kể cả những người trên 65 tuổi.

Như vậy, vaccine do AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh đồng phát triển trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép tại Hàn Quốc

Trong khi đó, Quân đội Indonesia (TNI) cho biết sẽ triển khai gần 30.000 quân nhân để thực hiện công tác truy vết dịch COVID-19 tại 7 tỉnh ở Java và Bali trong khuôn khổ Thực thi các hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô lớn (PPKM).

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Jakarta, Indonesia, ngày 4/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia - Đại tướng Hadi Tjahjanto ngày 10/2 cho biết 29.736 binh sĩ, trong đó có 27.866 sĩ quan, đã được triển khai để hướng dẫn, truy vết virus SARS-CoV-2 tại các huyện, làng xã thuộc 7 tỉnh ở khu vực Java - Bali, bên cạnh sự tham gia của 1.768 lính hải quân và 102 lính không quân. 

Theo Đại tướng Tjahjanto, ngoài vai trò là những người đảm bảo duy trì các quy định về y tế, lực lượng này có thể giúp chính phủ thực hiện việc truy vết COVID-19 trong cộng đồng. TNI cũng đã chuẩn bị đội ngũ quân y để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia do chính phủ phát động. Hiện tại, TNI có 1.008 nhân viên y tế và sẽ gia tăng con số này bằng cách đào tạo 10.000 người đủ năng lực để tham gia chương trình tiêm chủng mới. TNI cũng đã chuẩn bị các dây chuyền làm lạnh, tủ mát được phân phối cho các cơ sở y tế tiên tiến để bảo quản vaccine.

Thanh Phương - Đình Ánh (TTXVN)
Trung Quốc tạo bước đệm đưa vaccine COVID-19 vào thị trường châu Âu
Trung Quốc tạo bước đệm đưa vaccine COVID-19 vào thị trường châu Âu

Sự chậm trễ trong sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Astra-Zeneca và những sai lầm trong chương trình tiêm chủng tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn trái ngược với tốc độ triển khai vaccine tại Serbia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN