Dẫn một báo cáo dữ liệu Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) công bố ngày 9/2, hãng tin Reuters cho biết lượng tiền mặt lưu thông và gửi tiền vào các cơ sở tài chính Nhật Bản đã tăng 7,8% trong tháng 1/2021 so với một năm trước. Đây là mức tăng kỷ lục được ghi nhận. Tốc độ tăng trong tháng 12/2020 chỉ đạt 7,6%.
Dữ liệu cũng thể hiện lượng tiền tích trữ trong ngân hàng tăng vọt 15,5% vào tháng 1, trong khi lượng tiền lưu thông tăng 5,7%.
Theo lý giải của giới phân tích, các công ty đang dự trữ tiền mặt từ các khoản viện trợ và khoản vay để đề phòng trước cuộc khủng hoảng y tế, trong khi các hộ dân hạn chế chi tiêu do làn sóng dịch bệnh thứ 3 đang bùng phát tại quốc gia.
Trong khi hoạt động cho các công ty thiếu tiền mặt vay đã lên đến đỉnh điểm, việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp mới từ tháng 1 nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã làm mờ đi triển vọng hồi sinh của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhật Bản đã 2 lần nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm bớt gánh nặng kinh tế từ đòn giáng COVID-19, bao gồm bằng cách tạo ra một cơ chế cho vay mới nhằm chuyển tiền đến các công ty thiếu tiền mặt thông qua các tổ chức tài chính.
“Một số gia đình có thể cất giữ tiền mặt ở nhà thay vì gửi vào tài khoản ngân hàng. Đại dịch COVID-19 khiến họ thận trọng khi đến các chi nhánh ngân hàng”, một quan chức Ngân hàng Nhật Bản phát biểu trong một cuộc họp tháng 9/2020.
Theo quan điểm của người dân Nhật Bản, tiền mặt vẫn là công cụ thanh toán đứng đầu trong các giao dịch. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc người dân nước này không mấy mặn mà từ bỏ tiền mặt là do tình trạng già hóa dân số. Số lượng người dân thuộc tầng lớp hưu trí ngày càng gia tăng không muốn thay đổi cách thức thanh toán.
Hơn một nửa tài sản của các gia đình Nhật Bản là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Tỷ lệ này càng gia tăng ở nhóm người cao tuổi khi một số người sử dụng tiền mặt như một cách để ngăn chặn chi tiêu lãng phí.
“Mọi người ai chẳng thích tiền mặt. Tôi không quan tâm tới một xã hội không tiền mặt. Tôi không thấy thoải mái nếu như không may mất điện thoại. Và cũng không rõ bản thân sẽ tiết kiệm được bao nhiêu khi thanh toán điện tử thay vì phải rút tiền ra khỏi ví”, một cụ bà 65 tuổi sinh sống tại Tokyo cho hay.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp gia đình cũng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang thanh toán không sử dụng tiền mặt khi họ không thấy nhiều lợi ích nếu làm như vậy.
Hiện nền kinh tế Nhật Bản đang chìm sâu hơn vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ II sau khi virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tác động tới nhiều doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn nữa.