Biểu tình tại Iran và Indonesia phản đối chính sách của Mỹ tại Trung Đông

Chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông liên quan đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mới đây cùng với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính người dân Iran và người Hồi giáo ở Indonesia.

Người biểu tình tại Indonesia, ngày 11/5. Ảnh: AP

Trong ngày 11/5, hàng nghìn người dân Iran tại nhiều thành phố trên cả nước đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Nhiều người Iran thậm chí đã ủng hộ những chính trị gia có quan điểm cứng rắn và luôn nghi ngờ phương Tây.

Trong khi đó, hàng nghìn người Hồi giáo Indonesia đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Jakarta phản đối quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Những người biểu tình vẫy cờ của Palestine và mang các biểu ngữ bày tỏ sự ủng hộ Palestine.Tổng thống nước này, ông Joko Widodo cùng ngày tuyên bố Indonesia đoàn kết với người dân Palestine.

Liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong vài ngày tới, Paris sẽ trình lên Ủy ban châu Âu (EC) kế hoạch về các biện pháp chống trừng phạt Iran. Theo ông, các nước châu Âu cần có đối sách chống lại chính quyền Tổng thống Trump trong vấn đề hạt nhân Iran.

Cùng với hai nước châu Âu là Đức và Anh, Pháp tìm cách thuyết phục Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Các nước châu Âu cho rằng quyết định việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột tại khu vực Trung Đông, trong khi Washington biện minh cho quyết định của mình bằng lý lẽ thỏa thuận này không đủ "nghiêm ngặt" để kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.

Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình phát triển hạt nhân để đổi lại việc các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Trước quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA hôm 8/5, Iran tuyên bố sẽ không thực thi bất kỳ yêu cầu nào ngoại trừ các cam kết trong thỏa thuận này và cũng không chấp nhận thay đổi trong văn kiện này vào thời điểm hiện nay hay trong tương lai. Iran cũng đe dọa sẽ rút khỏi JCPOA nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã thỏa thuận.


TTXVN/Báo Tin tức
Lãnh đạo Nga - Đức tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran
Lãnh đạo Nga - Đức tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran

Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định cam kết bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN