Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, trước làn sóng biểu tình lan rộng tại nhiều thành phố trên cả nước, Chính phủ Colombia đã ra lệnh triển khai quân đội tại một số địa phương tình hình có chiều hướng nguy hiểm để vãn hồi trật tự. Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, song sau đó đã biến thành bạo loạn do nhiều phần tử quá khích đã kích động và đụng độ với cảnh sát.
Các vụ bạo lực còn khiến một cảnh sát thiệt mạng và hàng trăm nhân viên an ninh khác bị thương. Cảnh sát cũng bắt giữ hơn 400 phần tử quá khích. Các đối tượng biểu tình đã đập phá 69 bến xe công cộng, 36 điểm rút tiền tự động, 94 phòng giao dịch ngân hàng và nhiều cơ sở kinh doanh tư nhân.
Dưới sức ép mạnh mẽ của dư luận, ngày 2/5, Tổng thống Colombia Ivan Duque đã yêu cầu rút lại đề xuất cải cách thuế, đồng thời đề xuất soạn thảo lại một dự luật mới về vấn đề này, trong đó bỏ những điểm gây tranh cãi nhất như tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các dịch vụ và hàng hóa, cũng như mở rộng đối tượng phải nộp thuế thu nhập. Tuy vậy, trong ngày 3/5, hàng chục người vẫn tiếp tục biểu tình tại thủ đô Bogota và chặn các tuyến đường.
Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Diego Molano cho rằng các vụ bạo lực có sự tính toán, tổ chức từ trước, đồng thời được các nhóm chống phá chính phủ tài trợ.
Ngày 15/4 vừa qua, Chính phủ Colombia đã đề xuất cải cách thuế trên, song kế hoạch này vấp phải chỉ trích mạnh mẽ do nhằm vào các đối tượng thuộc tầng lớp trung lưu trong bối cảnh nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Chính phủ cho rằng việc cải cách thuế sẽ thu về 6,3 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2031, qua đó hỗ trợ quá trình tái khởi động nền kinh tế lớn thứ tư khu vực Nam Mỹ này.
Do các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, kinh tế Colombia đã sụt giảm tới 6,8% trong năm 2020 - mức thấp nhất tại nước này trong 50 năm qua. Thống kê cho thất tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 là 6,8%, trong khi 42,5% trong tổng 50 triệu dân nước này đang phải sống trong cảnh nghèo đói.