Biến động chính trị tại Pakistan có ý nghĩa thế nào với thế giới

Việc quốc hội Pakistan bác bỏ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Imran Khan và Tổng thống Arif Alvi tuyên bố giải tán Quốc hội, chuẩn bị cho một cuộc bầu cử mới đã làm hằn sâu khủng hoảng chính trị tại quốc gia 200 triệu dân này.

Chú thích ảnh
Truyền hình phát sóng phát biểu của Thủ tướng Imran Khan. Ảnh: Reuters

Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Khan đã phải đối mặt với tình trạng dự trữ ngoại hối cạn kiệt cùng lạm phát hai con số khiến giá nhiều mặt hàng cơ bản tại Pakistan như thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt, gây khó khăn cho người dân.

Theo kênh CNN (Mỹ), không một lãnh đạo nào của Pakistan hoàn thành nhiệm kỳ Thủ tướng 5 năm kể từ khi nước này thành lập vào năm 1947. Có nhiều quan ngại rằng động thái của Thủ tướng Khan đề nghị tổ chức bầu cử sớm có thể gây rủi ro bất ổn chính trị sâu rộng hơn tại quốc gia Nam Á này.

Pakistan có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt khi tiếp giáp với Afghanistan ở phía Tây, chung biên giới với Trung Quốc tại Đông Bắc và nằm cạnh Ấn Độ ở phía Đông.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) nhận định kể từ khi nắm quyền lãnh đạo vào năm 2018, Thủ tướng Imran Khan có xu hướng tiến gần hơn đến Trung Quốc và phản đối Mỹ.

Vậy bất ổn tại Pakistan, với nguy cơ ông Khan phải rời ghế Thủ tướng, sẽ tác động thế nào đến các quốc gia khác trên thế giới?

Trung Quốc

Thủ tướng Khan nhiều lần nhấn mạnh về vai trò tích cực của Trung Quốc tại Pakistan và trên thế giới. Tuy nhiên, hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD thực chất được lên khái niệm và triển khai bởi hai đảng chính tại Pakistan, vốn đều có quan điểm muốn ông Khan rời bỏ quyền lực.

Lãnh đạo đảng PML – N Shehbaz Sharif đã thống nhất thỏa thuận về CPEC với Trung Quốc khi còn giữ vai trò người đứng đầu tỉnh Punjab. Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết ông Shehbaz Sharif hiện là ứng cử viên hàng đầu trở thành người thay thế ông Khan giữ chức vụ thủ tướng.

Ấn Độ

Hai quốc gia láng giềng từng 3 lần bùng phát xung đột kể từ năm 1947 với 2 lần liên quan đến tranh chấp ở khu vực Kashmir. Chưa hề có đối thoại ngoại giao chính thức giữa hai nước láng giềng trong nhiều năm qua bởi còn tồn tại ngờ vực liên quan đến nhiều vấn đề.

Nhà bình luận chính trị người Ấn Độ Karan Thapar cho rằng quân đội Pakistan có thể tạo áp lực lên chính phủ mới tại Islamabad để đi đến ngừng bắn thành công ở Kashmir.

Ngày 2/4, Tướng quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa cho biết nước này sẵn sàng tiến về phía trước với vấn đề Kashmir nếu Ấn Độ đồng ý.

Mỹ

Nhiều chuyên gia nhận định rằng khủng hoảng chính trị Pakistan khó có thể là ưu tiên đối với Tổng thống Joe Biden ở thời điểm này.

Theo họ, với việc quân đội Pakistan vẫn tác động nhiều đến chính sách an ninh và đối ngoại thì số phận chính trị của ông Khan không phải lo ngại chính.

Bà Lisa Curtis bổ sung rằng chuyến thăm của ông Khan đến Moskva được coi là “thảm họa” trong quan hệ với Mỹ. Do vậy, theo bà, chính phủ mới tại Islamabad ít nhất nên giúp “hàn gắn quan hệ ở một mức độ nào đó”.

Thủ tướng Khan đã đổ trách nhiệm cho Mỹ trong khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này và cáo buộc rằng Washington muốn lật đổ ông vì chuyến thăm đến Nga của ông gần đây.

Afghanistan

Mối quan hệ giữa cơ quan tình báo quân sự Pakistan và lực lượng Taliban đã có phần bị nới lỏng trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh Taliban quay trở lại nắm quyền lực tại Afghanistan, Qatar hiện trở thành đối tác nước ngoài quan trọng nhất của lực lượng này.

Giám đốc Chương trình An ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới Mỹ-bà Lisa Curtis nhận định: “Mỹ không cần Pakistan để kết nối với Taliban mà Qatar hiện đang giữ vai trò này”.

Căng thẳng giữa Taliban và quân đội Pakistan đã tăng trong thời gian qua. Pakistan muốn Taliban đẩy mạnh xử lý các nhóm cực đoan bởi lo ngại chúng có thể đẩy bạo lực tràn vào Pakistan. Trong khi đó, Thủ tướng Khan được cho ít lên tiếng chỉ trích Taliban hơn các lãnh đạo nước ngoài khác.

Hà Linh/Báo Tin tức
Tổng thống Pakistan chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Imran Khan về giải tán Quốc hội
Tổng thống Pakistan chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Imran Khan về giải tán Quốc hội

Ngày 3/4, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã kêu gọi Tổng thống nước này Arif Alvi giải tán Quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử. Lời kêu gọi này được đưa ra chỉ vài phút sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội đã ngăn chặn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm phế truất Thủ tướng Khan. Tổng thống Arif Alvi ngay lập tức chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Imran Khan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN