Theo dữ liệu của cơ quan trên, trong thời gian từ tháng 6 - 8 vừa qua, nhiệt độ trung bình ở Bắc Bán cầu ghi nhận mức kỷ lục, cao hơn 0,69 độ C so với mức trung bình cùng giai đoạn từ năm 1991 - 2020, đồng thời “xô đổ” kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
C3S đưa ra dữ liệu trên sau khi nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận những kỷ lục mới về nhiệt độ kể từ đầu năm đến nay. Các nước như Australia, Nhật Bản, một số tỉnh của Trung Quốc và quần đảo Svalbard nằm giữa đất liền Na Uy và Bắc Cực đều ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8/2024.
Trong thông báo, bà Samantha Burgess - Phó Giám đốc C3S tổng kết, thế giới đã trải qua tháng 6 và tháng 8 nóng nhất, ngày nóng nhất và giờ đây là mùa Hè nóng nhất ở Bắc Bán Cầu từ tháng 6 đến tháng 8, hay còn gọi là mùa Hè phương Bắc nóng nhất. Theo chuyên gia này, chuỗi nhiệt độ kỷ lục như vậy đang làm tăng khả năng năm 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận.
Các nhà khoa học cảnh báo, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu mà phần lớn do con người gây ra, chẳng hạn như các hoạt động sản xuất gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Hệ quả là thế giới sẽ chứng kiến hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với cường độ và tần suất ngày càng cao.
Các nhà khoa học đã không ngừng kêu gọi các nước nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải nhà kính để ngăn chặn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao.