Theo kênh CNN, ngày 10/10 công ty này đã giới thiệu hai mẫu chai mới tạo từ vật liệu có thể tái chế - bột gỗ (dùng làm giấy) - với hi vọng sản phẩm này có thể thành công trên thị trường. Một phiên bản được tráng một lớp nhựa PET tái chế để giữ bia không bị ngấm ra ngoài. Phiên bản còn lại sử dụng lớp lót sinh học.
Đối với Carlsberg, sự đổi mới là một cách để giảm tác động đối với môi trường và mang đến cho người tiêu dùng một lựa chọn mới thú vị.
“Chai làm từ bột gỗ được cho là phương án thay thế tốt hơn lon nhôm hoặc lọ thủy tinh khi xét về tác động với môi trường vì vật liệu này ảnh hưởng rất ít đến quy trình sản xuất”, Myriam Shingleton – Phó Chủ tịch nhóm phát triển cho Carlsberg – giải thích, "năng lượng và hiệu quả của công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng cắt giảm lượng khí thải carbon so với các quy trình sản xuất khác”.
Từ năm 2015, công ty sản xuất bia rượu đã triển khai kế hoạch tìm ra một vật liệu mới làm chai đựng. Tuy nhiên, kế hoạch bị kéo dài nhiều năm vì Carlsberg cần phải đảm bảo loại chai đựng mới không làm thay đổi hương vị của đồ uống và vì vật liệu nhựa polymer sinh học không sẵn có phục vụ hoạt động thương mại.
Cũng trong ngày 10/10, Carlsberg cho hay thương hiệu rượu Vodka Absolut, thương hiệu nước ngọt có ga Coca-Cola và hãng mỹ phẩm L’Oreal đang nỗ lực cùng tham gia phát triển hướng đóng gói bao bì bằng giấy hiệu quả. Theo Carlsberg, càng nhiều đối tác, nhu cầu về loại vật liệu hiếm kia sẽ càng phổ biến.
Tuy nhiên, bà Shingleton nhấn mạnh Carlberg không hy vọng thay thế hoàn toàn lon và chai bia thông thường với các mẫu mới. Thay vào đó, công ty muốn giới thiệu cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn.
Trước đó, Carlsberg cũng thực hiện một vài cải tiến đã cắt giảm lượng nhựa thải. Năm ngoái, công ty này bắt đầu dán các lon bia với nhau, thay vì để bia vào trong lốc nhựa nếu như khách hàng có nhu cầu mua số lượng lớn. Việc làm này hạn chế làm ô nhiễm môi trường đại dương và gây nguy hại cho cuộc sống sinh vật biển.
Carlsberg không phải là công ty duy nhất sáng tạo về cách thức đóng gói sản phẩm.
Công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng Unilerver của Anh từng sản xuất các dầu gội đầu đóng thành xà phòng, bàn chải đánh răng bằng tre, que khử mùi bằng bìa… để giúp đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường.
PepsiCo và Coca-Cola từng có kế hoạch phát triển chung bắt đầu bán nước ngọt trong lon nhôm để cắt giảm việc sử dụng bao bì nhựa. Hãng đồ thể thao Adidas sản xuất giày có thể tái chế trong khi Procter & Gamble thử nghiệm các gói “refill” cho kem dưỡng ẩm Olay.
Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing Co. của Nhật Bản ngày 16/9 cho biết sẽ đưa ra thị trường sản phẩm may mặc được làm bằng chất liệu nhựa tái chế từ các vỏ chai đã qua sử dụng từ mùa Xuân năm 2020.
Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Uniqlo, cho biết tập đoàn này đã hợp tác với Tập đoàn Toray chuyên kinh doanh các loại sợi may mặc phát triển thành công sản phẩm mới. Đáng chú ý, dòng sản phẩm mới sẽ sử dụng loại sợi polyester được chế tạo bằng nhựa tái chế từ các vỏ chai đã qua sử dụng và có tính năng thoáng khí, nhanh khô.