Bỉ thành lập lực lượng chuyên trách về phương pháp điều trị COVID-19

Trung tâm thẩm định về chăm sóc sức khỏe liên bang Bỉ (KCE) đã thành lập một lực lượng chuyên trách trị liệu, tập hợp các chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực này để giúp các cơ quan chức năng định hướng và xác định các phương pháp điều trị COVID-19 phù hợp.

Chú thích ảnh
Thuốc viên Molnupiravir dùng trong điều trị COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bỉ sẽ sử dụng thuốc viên Paxlovid do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) phát triển và thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược Merck cũng của Mỹ để chữa trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này. Bỉ đã đặt mua 10.000 liều mỗi loại thuốc, song hiện tại chỉ Molnupiravir là có sẵn. Theo ông Dirk Ramaekers, người đứng đầu lực lượng chuyên trách, hợp đồng mua  thuốc Paxlovid sẽ được hoàn tất vào cuối tháng 1/2022. Bỉ sẽ phối hợp với các bác sĩ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính hiệu quả và an toàn của các phương pháp điều trị, trước khi được lưu hành rộng rãi. Thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tháng 3/2022. 

Ông Ramaeckers cho rằng điều quan trọng là phải xác định hiệu quả của các phương pháp điều trị mới trong chữa trị các ca nhiễm biến thể Omicron, đặc biệt trong bối cảnh Omicron có khả năng trở thành biến thể chủ đạo. Bỉ sẽ tham gia một nghiên cứu quốc tế do Anh điều phối nhằm xác minh tính hiệu quả, an toàn và hồ sơ của những bệnh nhân mà những phương pháp điều trị mới này nên được thực hiện.

Một vấn đề còn tồn tại với phương pháp điều trị mới này là Paxlovid và Molnupiravir đều cần được Cơ quan Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng khẩn cấp trước khi được lưu hành tại Bỉ. Tuy nhiên, đến nay EMA vẫn chưa cấp phép cho cả 2 loại thuốc này.

Liên quan các phương pháp điều trị COVID-19 tại Bỉ, vẫn còn những lo ngại về hiệu quả của các kháng thể đơn dòng chống lại biến thể Omicron - vốn được sử dụng rộng rãi ở nước này, song chưa chứng minh được hiệu quả trong việc chữa trị các ca nhiễm biến thể Omicron. Các kháng thể đơn dòng chỉ được phép sử dụng tại bệnh viện, giúp bù đắp cho khả năng miễn dịch bị thiếu hụt của những bệnh nhân có nguy cơ cao (người mắc ung thư, người ghép tạng...), đặc biệt trong những ngày đầu tiên bệnh khởi phát.

Số liệu mới nhất của Viện Y tế công cộng Bỉ (Sciensano), cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 5-11/1, biến thể Omicron chiếm tới 86,4% số ca mắc COVID-19 ở Bỉ, khoảng 15% trường hợp nhiễm mới do biến thể Delta gây ra. Bất chấp sự lây lan nhanh chóng của Omicron, biến thể Delta vẫn tiếp tục phổ biến và tác động đến hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Hương Giang (TTXVN)
Bỉ: Phần lớn số ca mắc COVID-19 trong 2 tuần qua thuộc lĩnh vực hàng không
Bỉ: Phần lớn số ca mắc COVID-19 trong 2 tuần qua thuộc lĩnh vực hàng không

Báo cáo của Đại học Công giáo Louvain công bố ngày 14/1 cho biết phần lớn số ca mắc COVID-19 mới tại Bỉ trong 2 tuần qua được ghi nhận trong lĩnh vực hàng không. Đây là báo cáo được Đại học Louvain thực hiện 2 tuần/lần nhằm so sánh các trường hợp mắc COVID-19 trong những lĩnh vực khác nhau của xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN