Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Bộ trưởng Ngoại giao, Các vấn đề châu Âu và Ngoại thương Bỉ Hadja Lahbib, và Quốc vụ khanh về Chính sách Khoa học, Thomas Dermine đã ký kết hiệp định, bên lề Hội nghị vũ trụ lần thứ 16 diễn ra hôm 23-24/1 tại Brussels.
Hiệp định Artemis được thông qua vào ngày 13/10/2020 theo sáng kiến của Mỹ và hiện nay đã được 34 quốc gia ký kết.
Là một quốc gia tham gia và đóng góp cho các chương trình thám hiểm không gian của châu Âu và quốc tế, đặc biệt là chương trình Artemis, Bỉ coi Hiệp định Artemis là một công cụ chính trị quan trọng, hướng dẫn hoạt động của các quốc gia ký kết và các tổ chức phi chính phủ trong việc khám phá vũ trụ, không gian và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là các quy định của Hiệp ước Ngoài vũ trụ của Liên hợp quốc năm 1967.
Các thỏa thuận của Artemis bao gồm các khía cạnh chính của việc khám phá không gian, như thúc đẩy các mục tiêu hòa bình, tính minh bạch, khả năng tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, đăng ký các vật thể không gian, phổ biến dữ liệu khoa học, bảo tồn di sản vũ trụ, tài nguyên không gian, các hoạt động không gian hòa bình và các hành động chống lại mảnh vụn quỹ đạo.
Việc Bỉ ký kết Hiệp định Artemis là một phần trong sự tham gia tích cực của nước này vào công việc của Ủy ban Liên hợp quốc về sử dụng không gian vì mục đích hòa bình (UNCOPUOS).
Trong thập kỷ qua, Bỉ phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên khác trong Ủy ban, đưa ra một số hành động nhằm thúc đẩy việc thiết lập khuôn khổ pháp lý đa phương quốc tế để tiếp cận công bằng đối với tài nguyên không gian, cũng như việc sử dụng an toàn và bền vững các tài nguyên này. Để đạt được mục tiêu, một nhóm công tác chuyên biệt đã được UNCOPUOS thành lập để khám phá và đề xuất các giải pháp khả thi cho khuôn khổ pháp lý quốc tế. Bỉ hoan nghênh sự tham gia tích cực của nhiều quốc gia ký kết Hiệp định Artemis trong nhóm làm việc này.
Bộ trưởng Hadja Lahbib nhấn mạnh Bỉ là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về thám hiểm không gian. Việc ký kết Hiệp định Artemis phản ánh cam kết liên tục của Bỉ đối với một không gian bền vững và có trách nhiệm, đồng thời cho phép tăng cường mối quan hệ với các đối tác quốc tế. Nó cũng sẽ mang lại cho các công ty của Bỉ, là những công ty có chuyên môn được công nhận trên toàn cầu trong lĩnh vực vũ trụ, những cơ hội kinh tế mới.
Việc tham gia Hiệp định Artemis cũng là điều kiện cần và quan trọng để phi hành gia người Bỉ có thể tham gia sứ mệnh của chương trình Artemis nhằm trở lại mặt trăng từ năm 2027.