Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông báo từ Ủy ban Chăm sóc Sức khỏe Vũ Hán ngày 5/1 cho biết đã ghi nhận tổng cộng 59 ca nhiễm “viêm phổi lạ” tại thành phố Vũ Hán, trong đó 7 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch. Tất cả các ca nhiễm được điều trị cách ly và hiện chưa có bệnh nhân tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá triệu chứng của căn bệnh chủ yếu là sốt, một số bệnh nhân khó thở và chụp ảnh phổi có dấu hiệu bị xơ.
Dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 12/2019 và gây hoang mang trong dư luận Trung Quốc do lo ngại về khả năng xảy ra dịch SARS. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2002-7/2003, đại dịch SARS đã càn quét 37 quốc gia trên thế giới khiến hơn 8.000 người mắc, trong đó có 774 người thiệt mạng.
Chính quyền Vũ Hán ngày 5/1 nhận định đây không phải là dịch SARS hoặc cúm gia cầm và Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS).
Nếu không phải SARS thì đây là căn bệnh gì ?
Theo cơ quan chức năng Vũ Hán, dịch bệnh bùng phát trong khoảng thời gian từ giữa ngày 12/12 – 29/12, trong đó có nhiều bệnh nhân làm việc tại một chợ hải sản trong thành phố.
Truyền thông địa phương cho biết khu chợ hải sản, vốn đóng cửa từ 1/1 này, còn bán cả nhiều động vật sống khác như chim chóc, thỏ và rắn. Do vậy, có nghi ngại rằng virus gây “viêm phổi lạ” đã lây từ động vật sang con người.
Giáo sư David Hui Shu-cheong tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: “Lo ngại hiện nay là liệu những thứ được bán tại chợ hải sản là một trong những lý do gây ra dịch bệnh”. Theo ông, nhiều mầm bệnh đã truyền từ động vật sang con người. SARS bắt nguồn từ con cầy hương trong khi MERS được cho bắt nguồn từ lạc đà.
Ông David Hui Shu-cheong nhận định rằng dựa trên thông tin được ghi nhận, nhiều khả năng virus này là một loại coronavirus. Loại virus này gây ra cảm cúm và SARS đồng thời nhiều khả năng lây truyền giữa người với người.
Cơ quan chức năng cho biết hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc “viêm phổi lạ’ là lây truyền từ người sang người. Khoảng 163 nhân viên y tế và những người từng tiếp xúc với các bệnh nhân “viêm phổi lạ” đang được theo dõi.
Vẫn tồn tại lo ngại về dịch bệnh lan truyền toàn Trung Quốc bởi nó xảy ra ngay trước thềm Tết Nguyên Đán khi hàng trăm triệu người dân nước này sẽ di chuyển trên các chuyến tàu, xe ô tô và máy bay.
Giáo sư Leo Poon tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết tình hình phụ thuộc vào việc liệu “viêm phổi lạ” tại Vũ Hán có lây truyền giữa người với người.
Các quốc gia châu Á hành động
Tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán khiến nhiều quốc gia châu Á khác phải theo dõi sát sao và đưa ra biện pháp phòng ngừa như đo thân nhiệt tại sân bay và ban hành cảnh báo.
Lãnh đạo Hong Kong (Trung Quốc) Carrie Lam ngày 8/1 cho biết đặc khu hành chính này sẽ có “hành động tức khắc” để ngăn chặn sự lây lan của virus “viêm phổi lạ” bao gồm theo dõi thân nhiệt của hành khách bằng đường hàng không từ Vũ Hán. Các bác sĩ tại Hong Kong cũng phải thông báo với chính quyền về những bệnh nhân có triệu chứng bệnh.
Có tổng cộng 21 người đã sốt hoặc có dấu hiệu bệnh về hô hấp sau khi di chuyển từ Vũ Hán. Trong đó có 7 người được xuất viện và hiện toàn bộ 21 trường hợp này được cho không liên quan đến căn bệnh “viêm phổi lạ” từ Vũ Hán.
Tại Singapore, những du khách từ Vũ Hán được yêu cầu đo thân nhiệt. Bộ Y tế Singapore còn đề nghị các bác sĩ theo dõi những trường hợp nghi nhiễm “viêm phổi lạ” đối với những người gần đây từng di chuyển từ Vũ Hán.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh của Hàn Quốc đã thiết lập lực lượng kiểm dịch đồng thời cảnh báo du khách khi tới Vũ Hán không được đụng chạm vào động vật hoang dã, gia cầm và không đến thăm chợ tại thành phố này.
Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 5/1 đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa khi đề nghị bác sĩ và cơ quan quan lý sân bay báo cáo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh về những bệnh nhân từng di chuyển từ Vũ Hán.
Cùng ngày 5/1, WHO thông báo: “Thông tin khá hạn chế để quyết định về rủi ro của căn bệnh viêm phổi chưa xác định này”. WHO cho biết chưa ban hành khuyến cáo cụ thể nào đối với du khách đến Trung Quốc. WHO cũng xác nhận đang theo dõi tình hình và “hợp tác chặt chẽ” với cơ quan chức năng tại Trung Quốc.