CDC châu Phi lưu ý trong số này có 5.992 ca nghi nhiễm và 891 ca được xác nhận. Số ca tử vong do đậu mùa khỉ tại châu Phi là 173 ca, với tỷ lệ tử vong là 2,5%. Các ca này được ghi nhận tại 8 quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CH Congo, CHDC Congo, Ghana, Liberia và Nigeria và 5 quốc gia mà đậu mùa khỉ không phải bệnh lưu hành gồm Ai Cập, Maroc, Mozambique, Nam Phi và Sudan.
Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 7 năm nay, CDC châu Phi đã kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường khả năng chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và năng lực giải trình tự gene đối với bệnh đậu mùa khỉ. Cơ quan này cũng hối thúc các quốc gia châu Phi xây dựng và chia sẻ các thông điệp về căn bệnh này tới các cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958. Giới khoa học đã đặt tên virus gây bệnh đậu mùa khỉ do virus ban đầu được xác định trên những con khỉ vốn được nuôi để nghiên cứu ở Đan Mạch. Tuy nhiên, bệnh này lại được tìm thấy ở một số loài động vật, chủ yếu là ở loài gặm nhấm. Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo và sau đó chủ yếu lây lan tại một số quốc gia Tây và Trung Phi. Bệnh này bắt đầu bùng phát mạnh vào tháng 5 tại nhiều nước khác vốn không ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh xu hướng lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da.
Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các nốt phát ban giống như bệnh đậu mùa và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục. Những người mắc bệnh có thể lây lan cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng và virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.