Trên bầu trời, những đám mây đen nặng trĩu vẫn dùng dằng trôi sau cơn bão, như muốn bộc lộ những vết tích của thiên nhiên đang ngự trị. Bầu không khí tĩnh mịch bao trùm cả vùng sông nước mênh mông, thỉnh thoảng có tiếng nước văng tung tóe từ bên trong chiếc bẫy, khuấy động sự yên bình của không gian vắng vẻ.
“Gần như không có lấy một tia hy vọng sống sót khi đối diện với hàm của loài săn mồi này”, ông Ewin trầm tĩnh nói khi cố gắng thắt chặt sợi dây quanh hàm con cá sấu đang hoảng loạn.
Lãnh thổ phía Bắc của Australia là nơi sinh sống của khoảng 100.000 con cá sấu nước mặn hoang dã, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Darwin, thủ phủ của lãnh thổ này, là một thành phố ven biển nhỏ bé, bao quanh là những bãi biển và vùng đất ngập nước. Và nơi nào có nước, nơi đó có cá sấu.
Cách đây nửa thế kỷ, cá sấu nước mặn từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Sau Thế chiến thứ hai, việc săn bắt cá sấu lấy da trở nên phổ biến và số lượng cá thể giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 con. Tuy nhiên, khi việc săn bắt động vật hoang dã bị cấm vào năm 1971, quần thể cá sấu nước mặn bắt đầu phục hồi và sinh sôi mạnh mẽ. Giờ đây, loài cá sấu này không còn bị đe dọa nữa, nhưng chúng vẫn được bảo vệ.
Sự hồi phục của cá sấu nước mặn diễn ra nhanh chóng, đến mức Australia đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: làm thế nào để quản lý số lượng loài, bảo vệ người dân mà không làm tổn hại đến loài vật này.
Giáo sư Grahame Webb, chuyên gia về cá sấu, giải thích: “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là khi mọi người quay lưng với cá sấu, và rồi một chính trị gia nào đó sẽ xuất hiện, đưa ra những giải pháp vội vàng 'giải quyết' vấn đề”.
Khí hậu nóng bức và môi trường ven biển phong phú của vùng Lãnh thổ phía Bắc Australia là nơi lý tưởng để loài cá sấu hung hãn này sinh sống. Ngoài các quần thể cá sấu lớn ở Bắc Queensland và Tây Australia, cá sấu nước mặn còn xuất hiện ở một số vùng Đông Nam Á. Trong khi đa phần cá sấu đều vô hại, cá sấu nước mặn lại có tính lãnh thổ và hung dữ.
Mặc dù các vụ tử vong vì cá sấu rất hiếm gặp tại Australia, nhưng vẫn có sự cố xảy ra. Mới đây, một đứa trẻ 12 tuổi đã bị một con cá sấu tấn công, vụ việc đã gây ra ca tử vong đầu tiên do cá sấu tại Lãnh thổ phía Bắc kể từ năm 2018.
Mùa sinh sản của cá sấu bắt đầu cũng chính là thời điểm bận rộn nhất trong năm đối với Ewin và các đồng nghiệp của anh. Nhóm của Ewin phải thường xuyên ra ngoài kiểm tra 24 chiếc bẫy xung quanh thành phố Darwin, nơi nổi tiếng với hoạt động câu cá và một số người dũng cảm dám bơi lội trong vùng nước này. Những con cá sấu bị bắt trong khu vực thường không được thả về lại nơi khác, bởi nếu chúng quay lại, mối nguy hiểm vẫn không hề giảm bớt.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ an toàn cho cộng đồng hết sức có thể”, Ewin, người đã làm công việc này trong suốt hai năm qua, chia sẻ. Trước đó, anh là một cảnh sát. “Dĩ nhiên, chúng tôi không thể bắt hết tất cả cá sấu, nhưng càng bắt được nhiều, nguy cơ chạm trán giữa con người và cá sấu sẽ càng thấp.”
Giáo dục cộng đồng là một phần quan trọng trong chiến lược đảm bảo an toàn cho người dân. Chính quyền Lãnh thổ phía Bắc Australia đã triển khai chương trình "Be Crocwise" tại các trường học, nhằm giáo dục mọi người cách cư xử có trách nhiệm trong môi trường sống của cá sấu.
Ông Natasha Hoffman, kiểm ngư tại địa phương, cho biết: “Chúng ta đang sống trong vùng đất của cá sấu. Vì vậy, vấn đề là làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình khi sống gần các tuyến đường thủy này”.
Mặc dù cá sấu được bảo vệ, nhưng năm ngoái chính phủ đã thông qua kế hoạch quản lý mới, tăng hạn ngạch cá sấu có thể bị tiêu hủy hàng năm từ 300 lên 1.200 con. Đây là nhiệm vụ của nhóm Ewin: loại bỏ bất kỳ con cá sấu nào gây mối đe dọa trực tiếp cho con người.
Cá sấu nước mặn là loài hung hãn, nhưng lại mang một nguồn thu lớn cho địa phương. Chúng không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thời trang.
Du khách có thể đến sông Adelaide để chiêm ngưỡng cảnh cá sấu nhảy lên khỏi mặt nước, đớp miếng thịt treo trên đầu một cây gậy. Đối với Alex 'Wookie' Williams, thuyền trưởng của Spectacular Jumping Croc Cruises, số lượng khách du lịch đến khu vực này đã tăng mạnh trong suốt 10 năm qua. Hiện tại, khoảng 150.000 con cá sấu đang bị nuôi nhốt ở khu vực này.
Các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton và Hermès cũng đã đầu tư vào ngành công nghiệp này. Họ thường thu mua da cá sấu để chế tạo những chiếc túi xách xa xỉ.
Ông Mick Burns, một nông dân nổi tiếng, chia sẻ: “Những sáng kiến thương mại này đã giúp mọi người chấp nhận cá sấu, vì chúng ta cần một giấy phép xã hội để có thể sử dụng động vật hoang dã”.
Trong suốt hàng nghìn năm, cá sấu đã đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của các bộ tộc bản địa, là hình tượng thiêng liêng trong những câu chuyện dân gian và cuộc sống hàng ngày của họ. Ông Otto Bulmaniya Campion, một chủ trang trại cá sấu truyền thống, kể lại: “Cha tôi, cùng những người lớn tuổi, đã săn cá sấu bằng lao, lấy da để đổi lấy trà, bột mì và đường. Không có tiền, chỉ có hàng hóa trao đổi.”
Nhưng giờ đây, họ mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục chăm sóc và quản lý loài bò sát này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc nuôi cá sấu. Các nhà hoạt động vì quyền động vật bày tỏ lo ngại về điều kiện nuôi nhốt. Cá sấu, mặc dù là loài động vật hoang dã, nhưng thường bị nhốt riêng trong một chiếc chuồng nhỏ để bảo tồn da một cách hoàn hảo, bởi cuộc ẩu đả giữa hai con cá sấu có thể làm hỏng giá trị của một tấm da.
Tại Darwin, mỗi người đều có câu chuyện riêng về loài sinh vật đáng sợ này. Dù mong muốn săn bắt nhiều hơn hay bảo tồn chúng nghiêm ngặt hơn, mối đe dọa mà cá sấu gây ra vẫn là điều không thể tưởng tượng được.
“Nếu đi bơi ở sông Adelaide, khả năng bị cá sấu tấn công là 100%”. Câu hỏi chỉ là liệu bạn có sống sót trong 5 phút hay 10 phút. Tôi không nghĩ bạn có thể kéo dài đến 15 phút. Bạn sẽ bị xé xác”, Giáo sư Webb nói.
Ông kéo ống quần lên, để lộ một vết sẹo lớn trên bắp chân, dấu tích của một cuộc chạm trán với con cá sấu gần 40 năm trước.
“Chúng tôi đã làm điều mà rất ít người có thể làm được, đó là bắt giữ một loài săn mồi nguy hiểm và quản lý chúng theo cách mà công chúng có thể chấp nhận được. Nếu bạn thử yêu cầu mọi người ở Sydney, London hay New York chấp nhận loài săn mồi này, họ sẽ không làm đâu”, ông cho hay.