Cách vài trăm mét về phía tây một bệnh viện chữa trị ung thư danh tiếng ở Bắc Kinh là dãy nhà hai tầng cũ kỹ - nơi sinh sống tạm bợ của các bệnh nhân đang hằng ngày phải chống chọi với căn bệnh quái ác này.
Tối tăm cổng vào một khách sạn ung thư tại Bắc Kinh. |
Tỉ lệ mắc bệnh đáng báo động
Được biết đến với cái tên “khách sạn ung thư”, đây là nơi ở duy nhất của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà không có tiền chữa trị. Khi màn đêm buông xuống, đâu đó trong các căn phòng nhỏ lại vang khẽ tiếng rên rỉ nức nở vì cơn đau thể xác hành hạ. Rời xa quê hương, những bệnh nhân và người nhà buộc phải lên thành phố sống tạm bợ vạ vật trong những căn hộ tồi tàn trước nỗi lo các y bác sĩ ở quê nhà không đủ điều kiện cũng như chuyên môn để chữa bệnh ung thư. Không có bất kì dịch vụ y tế cũng như y tá chăm sóc trong tòa nhà, duy chỉ có một phòng bếp chung để người nhà có thể nấu nướng cũng như 10 nhà tắm để vệ sinh cho bệnh nhân.
Hai chiếc giường và chiếc TV là đồ đạc duy nhất có trong những chiếc phòng thuê giá rẻ tại đây. |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở Trung Quốc đang ngày một tăng lên đến mức đáng báo động, với 2,2 triệu người chết mỗi năm vì căn bệnh quái ác này. Ung thư phổi và ung thư vú là hai loại thường gặp nhất ở các bệnh nhân. Đại diện của WHO, ông Bernhard Schwartlander, cho biết khách sạn ung thư mọc lên như nấm quanh các bệnh viện danh tiếng tại các thành phố lớn ở Trung Quốc là bằng chứng cho thấy sự yếu kém của hệ thống dịch vụ y tế tại quốc gia này.
Diện tích nhỏ bé của căn hộ. |
Những mảnh đời bất hạnh
“Tôi gần như suy sụp khi nghe tin vợ mình mắc bệnh”, Liu Dajiang đang chăm sóc cho người vợ bị mắc chứng ung thư vòm họng. Hai vợ chồng bắt đầu sinh sống trong căn hộ thuê giá rẻ này để thuận tiện đi lại chữa trị tại bệnh viện kể từ khi vợ anh bị chuẩn đoán mắc bệnh vào tháng 9/2014. Căn phòng Liu thuê có hai giường ngủ, và không hề có thêm bất kì đồ đạc nào khác trong nhà ngoại trừ một chiếc TV cũ. Vợ của Liu nằm trên giường, đôi mắt cô nhắm nghiền mặc dù TV vẫn mở. “Cô ấy rất yếu, ít khi cô ấy ra khỏi giường, nếu có cũng chỉ đi trong tòa nhà này thôi”, anh Liu chia sẻ.
Đồ ăn được treo tràn lan tại hành lang giữa các nhà. |
Chi phí chữa trị rất đắt, tiền thuốc gần như luôn là vấn đề đau đầu với các gia đình ở vùng nông thôn nghèo. Meng, chủ một “khách sạn ung thư” cho biết rất nhiều người đã phải bán căn nhà của họ dưới quê để có tiền lên thành phố lớn chữa trị. “Có những bệnh nhân may mắn chữa được khỏi bệnh, nhưng cũng có những người chẳng bao giờ thấy quay trở về từ bệnh viện”.
Vào năm 2010, Meng thuê tòa nhà và biến chúng thành "khách sạn" có 70 phòng, cùng 10 phòng tắm và phòng bếp chung. “Tại các khách sạn khác, bạn không thể tự nấu đồ theo ý của mình, nhưng ở đây thì thoải mái. Họ đều cần ăn những món bổ dưỡng để bồi bổ sức khỏe. Tất cả mọi người ở đây đều chung sống hòa thuận với nhau, bởi chia sẻ cùng một nỗi đau".
Mỗi tòa nhà đều có 70 căn hộ, và 10 phòng tắm cùng với phòng bếp sử dụng chung. |
Một người đàn ông giấu tên cho biết ông đã ở trong căn phòng cho thuê này 2 tháng nay cùng vợ và con gái. “Cơ sở vật chất y tế ở đây tốt hơn ở quê nhà nhưng dịch vụ thì kém hơn hẳn. Ai cũng muốn mình có một bác sĩ tốt chữa trị, song bạn sẽ khổng thể nào biết được họ có thực sự muốn giúp mình hay không. Bác sĩ của tôi thậm chí còn không muốn nói chuyện với tôi”. Kể từ lúc bị chuẩn đoán mắc bệnh, ông đã tốn 70.000 USD. Vợ ông cũng chỉ còn một kì chữa trị bằng tia phóng xạ trước khi có thể về quê nhà, song hiện tại điều duy nhất cặp vợ chồng quan tâm đó chính là khoản nợ 30.000 USD họ mượn để chi trả cho kinh phí chữa trị cũng như tiền thuê nhà tại Bắc Kinh.
Hồng Hạnh (theo CNN)