Bên trong cuộc chiến giành vaccine ngừa COVID-19 của EU

Trong một cuộc họp tuần trước tại tòa nhà Europa ở Brussels, các nhà ngoại giao đại diện cho 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) rơi vào bế tắc.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Saint-Amand-les-Eaux, Pháp ngày 3/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters, EU đã chi trả hàng tỉ euro để mua vaccine từ các nhà sản xuất nhằm ngăn chặn đại dịch cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người dân châu Âu mỗi ngày bùng phát. Hiện những nhà sản xuất vaccine đã cắt giảm số lượng vận chuyển cho các nước và EU đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến đảm bảo bình đẳng.

“Đây là thảm họa”, Đại sứ của Pháp tại EU Philippe Leglise-Costa phát biểu tại cuộc họp ngày 27/1.
Đây là thời điểm quan trọng trong gần hai tuần bối rối và tức giận về nguồn cung cấp vaccine, khiến khối này rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất kể từ khi bà Ursula von der Leyen nắm quyền điều hành Ủy ban châu Âu chỉ hơn một năm trước.

Một tuần trước, EU đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành vào cuối mùa Hè năm nay. Tuy nhiên, chiến lược này đã không thành công và các chi tiết về những thỏa thuận tối mật liên tục bị rò rỉ, làm dấy lên nghi ngờ về năng lực của EU thực hiện các hợp đồng mà trước đó liên minh này thay mặt các quốc gia thành viên ký kết.

Cuộc chiến bắt đầu

Tháng 12/2020, một số quan chức EU đã nhận rõ tình cảnh chậm trễ trong việc sản xuất vaccine song Ủy ban Châu Âu vẫn thông báo các mục tiêu đầy tham vọng.  

Ban đầu, EU không theo sát việc xuất khẩu vaccine của các công ty ra khỏi khối. Chỉ đến khi tình trạng cung ứng không đủ, EU tìm đến các công cụ pháp lý song lúc này đã quá muốn. Ủy ban Châu Âu phải đối mặt với những chỉ trích từ các chính phủ các quốc gia thành viên về chiến lược truyền thông công cộng.

Trong một đại dịch mà đã cướp đi sinh mạng của trên 700.000 người châu Âu, việc chậm trễ sản xuất vaccine của các công ty như AstraZeneca và Pfizer sẽ đẩy hàng triệu người tại châu Âu rời vào nguy cơ mắc bệnh trong mùa Đông, đặc biệt là khi các biến thể virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện và mang đặc tính lây truyền nhanh hơn. Các trung tâm tiêm chủng từ Madrid tới Paris đều buộc phải đóng cửa vì thiếu vaccine.

Chú thích ảnh
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 20/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc chiến tranh giành vaccine không chỉ là ác mộng của sức khỏe cộng đồng mà nó còn ẩn chứa một cuộc khủng hoảng chính trị.

Theo dữ liệu công khai, Anh - chính thức rời EU sau 5 năm căng thẳng đàm phán – đang triển khai tiêm chủng với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia EU nào.

Các nhà ngoại giao lo ngại Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ thua trong cuộc chiến giành vaccine khi nhà sản xuất vaccine AstraZeneca là một công ty của Anh. Họ hối thúc EC hạ giọng trong cuộc tranh cãi với AstraZeneca để được cấp thuốc sớm nhất có thể.

Tiến độ triển khai vaccine tại EU chậm hơn Anh 3 tuần do khối liên minh này chọn không ban hành phê duyệt quy định khẩn cấp như Anh đã làm. Trước đó, EU thông báo đã đạt thỏa thuận với 6 nhà sản xuất vaccine để đảm bảo gần 2,3 tỷ liều cho 450 triệu dân.

Pfizer, hợp tác với công ty BioNTech của Đức, là một trong hai công ty duy nhất được EU thông qua sử dụng vaccine. Hãng dược phẩm này đã bắt đầu triển khai giao vaccine cho EU ngay sau Giáng sinh năm ngoái. "Việc giao nhận cho đến nay hầu như không có trục trặc", bà Sandra Gallina – nhà đàm phán vaccine hàng đầu của EU nói với các nhà ngoại giao trong cuộc họp ngày 8/1.

Bà Gallina cho biết mỗi tuần, EU nhận được 3,5 triệu liều vaccine Pfizer, trong khi đó Anh chỉ dự trữ 4 triệu liều vaccine Pfizer cho đến tháng Hai. 

Bên cạnh đó, EU cũng hứa hẹn về việc chuyển giao vaccine AstraZeneca khi vaccine của hãng này được chấp thuận theo quy định vào cuối tháng 1. Theo một quan chức đàm phán EU, AstraZeneca cam kết cho tới tháng Ba sẽ giao ít nhất 80 triệu liều vaccine hay thậm chí lên tới 120 triệu liều.

Những "đòn giáng mạnh"

Tuy nhiên, trên thực tế, mọi thứ không như những gì đội ngũ đàm phán của EU báo cáo. Ngày 4/12/2020, AstraZeneca thông báo cho EU rằng đang cắt giảm quy mô cung ứng vì các vấn đề trong khâu sản xuất và sẽ giảm mục tiêu trong quý đầu tiên, chỉ đạt 2/3 số lượng đề ra.

Đến ngày 15/1, Pfizer cũng thông báo sẽ cắt giảm quy mô sản xuất và tạm thời ngưng cung cấp vaccine cho EU từ nhà máy ở Bỉ. Ngay lập tức một làn sóng giận dữ bùng nổ trên khắp châu Âu. Ủy viên đặc biệt của Italy về COVID-19, Domenico Arcuri, cho biết quốc gia này đang xem xét hành động pháp lý đối với Pfizer.

Bất chấp những chậm trễ, EC tiếp tục và công bố một mục tiêu tiêm chủng đầy tham vọng.
Ngày 19/1, khi chỉ có hơn 5 triệu vaccine được đưa vào sử dụng tại EU, EC công bố mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% nhân viên y tế và người già trên 80 tuổi vào tháng Ba và 70% người trưởng thành trong khối vào cuối mùa hè. 

Ngay hôm sau, trong một cuộc họp, các nhà ngoại giao EU đã nói với các quan chức EC rằng những mục tiêu đề ra quá viển vông. “Chúng ta mới chỉ có khoảng 2% dân số được tiêm chủng. Làm thế nào mà đạt được mục tiêu 70%?”, một đại diện từ Lithuania hỏi. Nhà đàm phán cấp cao Gallina nói với các nhà ngoại giao rằng việc cắt giảm đột ngột của Pfizer đã "phá hủy" kế hoạch tiêm chủng của các quốc gia thành viên nhưng bà cam kết rằng các chuyến hàng sẽ tiếp tục được giao nhận vào những tuần tới.

Tuy nhiên, mọi chuyện càng càng rối ren hơn. Ngày 22/1, AstraZeneca thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm vaccine chuyển cho EU trong 3 tháng đầu. Một quan chức cấp cao tiết lộ điều này có nghĩa là 80 triệu liều chỉ rút xuống còn 31 triệu liều.

EC vào cuộc. Vài giờ sau thông báo, Ủy viên Y tế Stella Kyriakides đã lên tiếng bày tỏ thất vọng. Thứ Hai tuần sau đó, Ủy ban đã triệu tập các giám đốc điều hành của AstraZeneca đến để gây áp lực buộc công ty phải dỡ bỏ lệnh hoãn giao hàng. 

Tại cuộc họp ngày 27/1, bà Gallina nói với các đại biểu rằng việc cắt giảm mới là "một đòn giáng mạnh” cho chương trình tiêm chủng tại EU. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 27/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dữ liệu hải quan ban đầu cho thấy hàng triệu vaccine COVID-19 đã được xuất khẩu trong những tuần qua từ EU sang Anh, Canada, Israel và Trung Quốc. Về phần mình, Anh, Israel và Canada cho biết họ đã nhận được vaccine Pfizer từ EU. Anh cũng cho biết họ đã nhận được vaccine AstraZeneca từ EU. 

Bà Gallina nhấn mạnh EU sẽ thiết lập một cơ chế mới để theo dõi và cấp phép xuất khẩu. Các luật sư của EU có thể sử dụng một số lý luận pháp lý để gây sức ép buộc AstraZeneca phải cung cấp nhiều vaccine hơn.

Tuy nhiên, ý tưởng này không nhận được sự đồng tình từ các nước thành viên. Ít nhất 5 nhà ngoại giao nói trong cuộc họp rằng EC đã đi quá xa trong cuộc chiến công khai và kêu gọi EC nhượng bộ.
Nhận thấy rằng các nhà ngoại giao muốn giảm bớt cuộc chiến với AstraZeneca, EC chuyển mục tiêu sang Chính phủ Anh. Các quan chức EU công khai đe dọa sẽ chặn xuất khẩu vaccine - một động thái có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu vaccine của Anh từ nhà máy Pfizer ở Bỉ.

Bên cạnh đó, EC cho biết họ muốn thiết lập một cơ chế yêu cầu các công ty phải xin cấp phép trước khi xuất khẩu vaccine. Ngày 20/1, EC đe dọa kích hoạt một điều khoản ngăn chặn vaccine đến Bắc Ireland. Bộ trưởng thứ nhất của Bắc Ireland Arlene Foster gọi đề xuất của EU là “một hành động thù địch” và các quan chức EU cũng sớm thừa nhận hành động đó là quá mức. Đến ngày 31/1, EC rút lui trên cả hai mặt trận.

Trong dòng Twitter đăng tải mới nhất, Chủ tịch EC Von der Leyen thông báo EU đã đạt được “bước tiến về vaccine” khi AstraZeneca cam kết tăng cường giao hàng. Sau một tuần căng thẳng, EU đã có thêm 1 triệu liều vaccine từ AstraZeneca.

Bảo Hà/Báo Tin tức
AstraZeneca xin cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 tại Nhật Bản
AstraZeneca xin cấp phép lưu hành vaccine ngừa COVID-19 tại Nhật Bản

Hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) ngày 5/2 thông báo đã xin cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN