Bầu cử tổng thống Pháp 2012: Ưu thế nghiêng về ông Hollande

Theo kết quả chính thức do Bộ Nội vụ Pháp công bố, ứng cử viên François Hollande của đảng cánh tả Xã hội (PS) đã giành được 28,2% số phiếu ủng hộ, trong khi Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy - ứng cử viên của đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) theo đường lối bảo thủ - nhận được 27% số phiếu bầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 22/4/2012.

Số phiếu ủng hộ bà bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN); ông Jean - Luc Mélenchon, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Cánh tả (FG); và ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung lần lượt là 18,6%, 10,9% và 9,2%.

Ứng cử viên François Hollande. Ảnh: AFP - TTXVN


Theo quy định, do không ứng cử viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu, 2 ứng cử viên có phiếu bầu cao nhất là ông Hollande và ông Sarkozy sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 6/5 tới.

Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp với thắng thế nghiêng về ứng cử viên Hollande đã khiến dư luận Mỹ và một số nước châu Âu đặc biệt quan tâm và coi đây là sự trở lại của lực lượng cánh tả ở châu Âu.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, việc ông Hollande, ứng cử viên cánh tả, có thể đánh bại một đương kim tổng thống trung hữu để trở thành tổng thống Pháp báo hiệu một chiều hướng thay đổi chính trị tại châu Âu, nơi đang bị chia rẽ do cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nếu thắng cử trong vòng bỏ phiếu thứ hai ngày 6/5, ông Hollande, 57 tuổi, sẽ là tổng thống cánh tả đầu tiên của Pháp kể từ năm 1995.

Cơ hội mong manh của ông Sarkozy

Nhóm tranh cử của Tổng thống Sarkozy từng tuyên bố một chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên là điều vô cùng quan trọng để ông Sarkozy nuôi hy vọng chiến thắng trong vòng bầu cử thứ hai. Tuy nhiên, sau vòng đầu tiên, hy vọng giành được thêm lực đẩy của ông Sarkozy đã tiêu tan; cơ hội ở lại chiếc ghế tổng thống của ông trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Báo chí châu Âu ra ngày 22/4, trong đó có nhiều tờ báo lớn của Italia, Anh, Bỉ, Đức... cho rằng Tổng thống Sarkozy sẽ phải nỗ lực rất lớn trong vòng hai bầu cử tổng thống.

Ứng cử viên Nicolas Sarkozy. Ảnh: AFP - TTXVN


Trong khi đó, cuộc thăm dò do Viện thăm dò Ipsos thực hiện cho Đài châu Âu 1 cũng như các cuộc thăm dò của tuần báo Paris Match và nhật báo Le Monde của Pháp tiến hành ngay sau khi cuộc bỏ phiếu vòng một kết thúc cho thấy ông Hollande sẽ đánh bại Tổng thống Sarkozy trong vòng hai với tỷ lệ 54% - 46%. Các cuộc thăm dò này còn cho thấy khả năng đa số những người ủng hộ các ứng cử viên bị loại ở vòng một sẽ chuyển sang bỏ phiếu cho ứng cử viên nhiều triển vọng ở vòng bầu cử thứ hai.

Các nhà phân tích cho rằng ông Sarkozy đã không thể xoa dịu sự tức giận của cử tri đối với nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông, với di sản là một nền kinh tế đi xuống và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Trong khi đó, ông Hollande được lợi từ làn sóng chống đối ông Sarkozy mặc dù Tổng thống đương nhiệm tìm mọi cách chỉ trích chương trình "thuế và tiêu dùng" của đối thủ đảng Xã hội là thảm họa tiềm tàng đối với nền kinh tế Pháp.

Ông Sarkozy hiện đang đứng giữa hai lựa chọn: hoặc là thu hút những cử tri từng bỏ phiếu cho bà Le Pen hay những cử tri của ứng cử viên Bayrou. Stephane Rozes, làm việc tại Viện Nghiên cứu chính trị CAP, nhận định: "Sẽ rất khó để ông Sarkozy có thể lật ngược tình thế. Ông ta sẽ khó lòng lôi kéo được phái trung dung".

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Sarkozy không thể thu hút những cử tri cực hữu trong vòng bầu cử đầu tiên mặc dù đã tăng cường nhắc tới chính sách chống nhập cư là "điềm gở" đối với vòng bầu cử tiếp theo. Rất nhiều người có thể sẽ quyết định ngồi ở nhà thay vì đi bỏ phiếu cho ông Sarkozy. Trong khi đó, việc quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của những cử tri trung hữu từng bỏ phiếu cho ông Bayrou chắc chắn cũng sẽ không giúp ông Sarkozy có được lực đẩy cần thiết để giành chiến thắng cuối cùng.

Chân dung hai ứng cử viên

Ứng cử viên François Hollande, 57 tuổi, gia nhập PS năm 1979 và đảm nhận vai trò Bí thư thứ nhất từ năm 1997 đến 2008. Ông từng theo học tại các trường Đại học Pari, Học viện nghiên cứu chính trị Pari và Trường Hành chính Quốc gia Pháp.

Bối cảnh kinh tế - xã hội khó khăn và sự cầm quyền kéo dài suốt 17 năm của cánh hữu là cơ sở để ông đưa ra khẩu hiệu tranh cử “Thay đổi, ngay từ bây giờ”. Cương lĩnh tranh cử của ông được cụ thể hóa bằng “60 cam kết vì nước Pháp”, trong đó tập trung vào các biện pháp giải quyết các vấn đề thiết yếu và cấp bách như việc làm, nhà ở xã hội, sức mua, an sinh xã hội, năng lượng, khả năng cạnh tranh của Pháp...

Tuy nhiên, đề xuất mang đậm chất cánh tả nhất và gây nhiều tranh cãi nhất vẫn là chủ trương đánh thuế 75% đối với những thu nhập từ một triệu euro trở lên mỗi năm. Chủ trương đàm phán lại Hiệp ước kỷ luật ngân sách châu Âu của ông cũng là chủ đề khiến báo giới châu Âu tốn rất nhiều giấy mực.

Ứng cử viên Nicolas Sarkozy, 57 tuổi, đại diện tranh cử của UMP, được báo giới mệnh danh là "Tổng thống của người giàu" vì cách sống và chính sách ưu ái giới doanh nhân. Khác với ông Hollande, ông Sarkozy đã trải qua rất nhiều cương vị bộ trưởng trong chính phủ trước khi trở thành tổng thống.

Đưa ra khẩu hiệu tranh cử là “Nước Pháp mạnh”, nhưng cương lĩnh tranh cử của ông Sarkozy bị các đối thủ đánh giá thực chất không có nhiều khác biệt so với cương lĩnh năm 2007 bởi có nhiều đề xuất được lặp lại, hoặc củng cố thêm cho phù hợp với tình hình.

Tuy thuộc cánh hữu nhưng cương lĩnh của ông Sarkozy lại nhấn mạnh các vấn đề nhập cư, tôn giáo cực đoan, an ninh và an toàn xã hội vốn là chủ đề đặc trưng của phe cực hữu để lôi kéo tối đa cử tri. Trên bình diện châu Âu, Sarkozy chứng tỏ tư tưởng hữu khuynh bằng đề xuất siết chặt kỷ luật ngân sách, đồng thời tuyên bố sẽ cho tiến hành sửa đổi nội dung Hiệp ước Schengen nhằm hạn chế tình trạng nhập cư hiện nay tại châu Âu.

H.H (Tổng hợp)

Hình ảnh về cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng một
Hình ảnh về cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng một

Ngày 22/4, hơn 80% trong tổng số 44,5 triệu cử tri Pháp đã tham gia cuộc bỏ phiếu bầu chọn nhà lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ mới. Không có ứng cử viên nào giành quá 50% số phiếu, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ bước sang vòng 2 vào ngày 6/5 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN