Bầu cử Mỹ 2012: Thế trận cân bằng

Xứ cờ hoa đang trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, cử tri Mỹ sẽ quyết định ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Và cũng như mọi cuộc đua giành quyền lực trong lịch sử nước Mỹ trước đây, người bước lên đỉnh cao sẽ chỉ được quyết định vào phút chót.

Khép lại ba cuộc đấu “tay bo”, cả hai ứng cử viên của Dân chủ và Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cùng cựu Thống đốc Mitt Romney đều tỏ ra là những tay chơi thượng thặng, và luôn ở thế bất phân thắng bại.

 

Đương kim Tổng thống Obama (trái) và cựu Thống đốc Romney đều đang có cơ hội trở thành ông chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ sắp tới. Ảnh: AFP


Mặc dù ông chủ đương nhiệm được đánh giá có phần nhỉnh hơn so với đối thủ sau ba cuộc tranh luận trực tiếp, song êkíp tranh cử của ông Obama không thể thở phào nhẹ nhõm khi nói rằng các cuộc đối đầu này không làm thay đổi tương quan lực lượng.


Kết quả thăm dò của CNN và CBS News cho biết có 48% và 53% cử tri được phỏng vấn qua điện thoại đánh giá Tổng thống Obama đã chiến thắng trong cuộc tranh luận cuối cùng so với 40% và 23% có nhận định như vậy về ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney. Tuy nhiên, cũng theo thăm dò của CNN, có khoảng 50% cử tri nói rằng kết quả cuộc tranh luận cuối cùng về chủ đề đối ngoại và an ninh không làm thay đổi quyết định của họ. Sau cuộc tranh luận, có 24% cử tri tỏ ra háo hức hơn với việc bỏ phiếu cho ông Obama tái cử nhiệm kỳ hai so với 25% muốn lựa chọn ông Romney vào ghế ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.


Lợi thế của Obama...


Không cần bàn nhiều về lợi thế của Tổng thống Obama trong cuộc đua này. Bốn năm qua là khoảng thời gian vừa đủ để chính khách da màu này khẳng định những mặt mạnh của mình trong việc chèo lái con thuyền nước Mỹ.


Cần nhìn nhận lại thời điểm Tổng thống Obama lên nắm quyền. Đó là một nước Mỹ mệt mỏi, chán nản và đầy rẫy những khó khăn kinh tế. Khi đó ông Obama đã nhận về mình một di sản nặng nề từ người tiền nhiệm George W.Bush: hai cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan, nền kinh tế chìm vào suy thoái với thâm hụt ngân sách lên tới hơn 1.400 tỷ USD và nợ công gấp 10 lần, tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ hai con số, và vị thế của nước Mỹ trở nên mờ nhạt hơn, tỷ lệ nghịch với sự lên ngôi của các cường quốc đang lên như Trung Quốc, Nga….Bốn năm sau, tình hình tuy chưa thật sự như mong muốn của người dân Mỹ nếu so sánh với thời kỳ hoàng kim trước đây, nhưng đã có những chuyển biến.


Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số lượng các ngôi nhà mới được động thổ trên khắp nước Mỹ trong tháng 9 vừa qua tăng mạnh nhất trong hơn 4 năm qua (15%), lên 875.000 nhà. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự phục hồi với tốc độ nhanh của lĩnh vực bất động sản. Nó cũng sẽ tạo đà cho sự hồi phục của toàn bộ nền kinh tế. Thêm vào đó, chỉ số bán lẻ tại thị trường Mỹ trong tháng 9 tăng 1,1%, cao hơn mức dự báo của nhiều chuyên gia. Từ những dấu hiệu tích cực này, các chuyên gia kinh tế đã nâng mức dự báo tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III/2012 từ 1,6% lên 1,9%, so với mức tăng 1,3% trong quý II.


Về đối ngoại, Tổng thống Obama đã hoàn tất cam kết của mình trước cử tri về kết thúc hai cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan, đồng nghĩa với chấm dứt những khoản chi khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh và những thương vong. Mỹ cũng đã khéo léo tránh can thiệp quá sâu vào cuộc chiến của phương Tây ở Libi để tránh khoản chi ngân sách chiến tranh không cần thiết. Chính quyền cũng đã có những điều chỉnh chính sách tích cực theo hướng siết chặt quan hệ với các nước khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nơi quy tụ những “anh tài” trong nỗ lực vượt “bão” tài chính và trở thành đầu tàu vực dậy nền kinh tế thế giới. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga tuy còn nhiều trắc trở, song trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đối ngoại không phải là ưu tiên số một, một mối quan hệ đối tác – đối thủ mà Oasinhtơn duy trì hiện nay với Bắc Kinh và Mátxcơva về cơ bản là chấp nhận được.


Cũng không thể không kể đến một “thành tích” của Tổng thống Obama là vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ chủ mưu các vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001, sau hơn một thập kỷ ám ảnh nước Mỹ.


…và của Romney


Chưa từng đắc cử tổng thống, rõ ràng vị cựu thống đốc 65 tuổi này không có cơ hội để khẳng định những thế mạnh của mình và cũng chưa có gì để khẳng định mình. Tuy nhiên, đa phần giới phân tích nhận định rằng ông "đã đi đúng con đường an toàn nhất" để đến với chiếc tổng thống ở Nhà Trắng.


Giống như gần một nửa các tổng thống Mỹ, ông Romney cũng đã có nhiệm kỳ là thống đốc bang. Ông được nhìn nhận là hiểu biết về kinh tế, nhất là kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa. Ông cũng được ghi nhận là khi làm Thống đốc Massachusetts đã có công giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 5,6% xuống 4,7%, đạt thặng dư ngân sách vào cuối nhiệm kỳ và 98% người dân bang này có bảo hiểm y tế. Thế mạnh trước hết của ông Romney là có nhiều tiền, có đội ngũ tranh cử hùng hậu, có bài bản và tổ chức chặt chẽ. Ông được những người giàu có với thu nhập tối thiểu từ 100.000 USD/năm trở lên ủng hộ. Theo thống kê, cứ 10 người bỏ phiếu cho Romney thì có 4 người có thu nhập trên 100.000 USD/năm. Tuy không phải là ứng cử viên bảo thủ truyền thống của đảng Cộng hòa, nhưng ông lại nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo của đảng Cộng hòa vì họ xác định ông là người có khả năng nhất đánh bại ông Obama.


Nhìn lại chặng đường tranh cử đã qua, không thể phủ nhận được một thực tế là doanh nhân làm chính trị này đã có một sự bứt phá khá ngoạn mục trước đối thủ Obama. Càng vào giai đoạn sau của chiến dịch vận động tranh cử, cựu Thống đốc Romney càng tỏ ra thiện chiến hơn, thể hiện qua việc tỷ lệ tín nhiệm của cử tri trong các cuộc thăm dò độc lập không ngừng tăng. Từ chỗ cách biệt 15-20% so với ứng cử viên đảng Dân chủ, ông đã thu hẹp, san bằng và thậm chí có lúc còn nhỉnh hơn đối thủ. Chính khách này đã biết đánh trúng tâm lý mong mỏi của một bộ phận không nhỏ cử tri về một nhà lãnh đạo có đầu óc và lối tư duy doanh nhân để tìm lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế số 1 thế giới.


Trong bất kỳ cuộc đua giành quyền lực nào cũng vậy, lợi thế của người này sẽ là điểm yếu của người kia và nhân tố mang tính quyết định ở đây là cử tri cần gì, kỳ vọng gì ở người lãnh đạo của mình. Trong bối cảnh nước Mỹ hiện nay, khi vấn đề kinh tế liên quan tới lợi ích sát sườn của người dân lên ngôi và nếu tổng thống được ví như một tổng giám đốc điều hành tập đoàn lớn mang tên nước Mỹ, thì có lẽ Romney sẽ có lợi thế hơn. Song, ông Obama cũng có những thế mạnh của mình khi hành trang của ông là những gì đã làm được trong 4 năm qua trong cả kinh tế, đối ngoại và an ninh. Vậy nên cuộc chiến vẫn tiếp diễn!


Phương Hồ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN