Bầu cử Mỹ 2012: Ông Romney bất ngờ vượt lên trước ông Obama

Mặc dù chưa phải đổ nhiều tiền của như các đối thủ Cộng hòa vào chiến dịch vận động tranh cử và bầu cử sơ bộ, nhưng giới chức và cử tri đảng Dân chủ không thể không lo lắng, thậm chí giật mình khi liên tục trong vài ngày qua các tổ chức thăm dò công luận đưa ra các con số phản ánh tâm trạng của cử tri không còn mặn mà nhiều lắm với ứng cử viên gàn như chắc chắn và duy nhất của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama. Sự nổi lên "như cồn" của đối thủ đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc bang Massachusetts, ông Mitt Romney đang trở thành một thách thức không nhỏ, nếu không muốn nói là nguy hiểm, tới nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ hai của ông Obama.


Ông Mitt Romney đang phát biểu trong chiến dịch tranh cử ở Florence, Nam Carolina, ngày 18/1. Ảnh: AFP-TTXVN


Theo kết quả hai cuộc thăm dò dư luận khác nhau của Washington Post/ABC News và CNN/ORC công bố ngày 17/1, cho thấy ở thời điểm hiện tại, ông Romney đã bất ngờ vượt lên dẫn điểm ông Obama. Đây là lần đầu tiên kể từ giữa năm 2011 một ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã nổi lên trở thành đối thủ đáng gờm, đe dọa ngai vàng lần thứ hai của ông chủ hiện thời của Nhà Trắng. Các đối thủ tiềm tàng khác của đảng Cộng hòa cũng đang bám sát nút ông Obama. Trong số 1.000 cử tri được phỏng vấn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong các ngày 12-16/1 có 48% nói rằng họ có thể chọn ông Romney so với chỉ có 46% cam kết ủng hộ ông Obama.

Ông Romney giờ đây được cử tri nhìn nhận là ứng cử viên sáng giá nhất và có nhiều khả năng đoạt tấm vé chính thức của đảng Cộng hòa để bước vào cuộc tổng tuyển cử ngày 6/11/2012. Ông Obama dẫn điểm các đối thủ còn lại của đảng Cộng hòa nhưng với tỷ lệ không quá chênh lệch. Cụ thể, ông Ôbama dẫn cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich với tỷ lệ 52%-40%, dẫn Hạ nghị sỹ 77 tuổi Ron Paul 49%-42% và dẫn cựu Thượng nghị sỹ Rick Santorum 52%-41%. Trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông Romney nhận được 36% ý kiến ủng hộ của cử tri Cộng hòa và cử tri độc lập có xu thế ngả theo Cộng hòa trong khi ông Gingrich và ông Paul cùng nhận được 16%, ông Santorum 13% và Thống đốc bang Texas, ông Rick Perry nhận được 9% ý kiến hậu thuẫn. Cựu thống đốc Romney vượt lên dẫn điểm ông Obama là nhờ vào sức thu hút đối với khối cử tri độc lập. Trong nhóm cử tri đông đảo này có 50% nhìn nhận tích cực về ông Romney so với chỉ có 38% cảm tình ông Obama. Trái lại, ông Obama vẫn nhận được sự ủng hộ của 54% cử tri tự nhận mình là ôn hòa so với 40% dành cho ông Romney. Ông Romney dẫn ông Obama tới 18% trong khối cử tri da trắng trong khi ông Obama nhận được 55% ý kiến ủng hộ của khối cử tri không phải da trắng. Thăm dò công bố cùng ngày của CNN/ORC cũng cho thấy ông Romney nhận được 47% ý kiến ủng hộ của cử tri toàn quốc so với 46% dành cho ông Obama.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia của các tổ chức thăm dò dư luận này đều có chung nhận xét cho rằng vẫn đang xuất hiện những dấu hiệu có lợi cho nỗ lực tái cử của ông Obama. Trước hết, qua các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, có vẻ cử tri Cộng hòa trong năm 2012 không háo hức đi bầu cử như trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/2010. Thứ hai, kinh tế và thị trường công ăn việc làm ở Mỹ trong vài tháng qua đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực hơn. Thứ ba, ông Romney cũng đang bị các đối thủ cùng đảng công kích về một loạt vấn đề, trong đó có việc sa thải công nhân vô tội vạ khi còn là chủ một doanh nghiệp. Ông Romney cũng bị nhìn nhận là người theo quan điểm trung dung, không đúng với truyền thống bảo thủ của đảng Cộng hòa. Ông Romney thậm chí còn bị cáo buộc trong nhiều năm qua đóng thuế thu nhập cá nhân thấp hơn nhiều so với những người có thu nhập trung bình, chưa nói tới chuyện khối tài sản của ông trị giá hơn 250 triệu USD.

Thái Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN