Tổng thống Argentina Cristina Kirchner (phải) và Thống đốc bang Buenos Aires - ứng viên tranh cử Tổng thống Daniel Scioli tại một cuộc họp ở Buenos Aires ngày 20/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chạy đua nước rútCó lẽ trong lịch sử Argentina, chưa bao giờ có một cuộc tổng tuyển cử gay cấn như lần này bởi vào phút chót 3 ứng cử viên tiềm năng trong tổng số 6 ứng cử viên vẫn nỗ lực hết mình tiếp tục chạy đua trong chiến dịch tranh cử để giành giật từng lá phiếu.
Hiện 3 ứng cử viên nặng ký gồm Daniel Scioli, Thống đốc tỉnh Buenos Aires, thuộc liên minh cầm quyền Mặt trận vì Thắng lợi (FpV); Mauricio Macri, Thị trưởng Buenos Aires, thuộc liên minh trung hữu Đề xuất Cộng hòa (PRO) đối lập và Sergio Massa thuộc liên minh Một giải pháp mới (UNA). Ông Scioli là nhân vật sáng giá nhất trong cuộc đua vào Nhà Hồng (Phủ Tổng thống).
Theo kết quả điều tra của hãng tư vấn M&F đưa ra ngày 22/10, ông Scioli hiện đạt được 39,5% phiếu ủng hộ, tiếp đến là ông Macri, 24,9% và ông Massa 18,3%. Trong khi đó, hãng Ricardo Rouvier đưa ra tỷ lệ ủng hộ theo thứ tự là 40,1%, 29% và 21,5%.
Theo Luật Bầu cử Argentina, ứng cử viên nào có được 45% phiếu ủng hộ sẽ giành chiến thắng hoặc người có số phiếu cao nhất giành được 40% phiếu và nhiều hơn ứng cử viên về sau 10% thì cũng sẽ đắc cử. Nếu không ai đạt được một trong hai điều kiện trên thì hai người nhiều phiếu nhất sẽ phải tham gia cuộc bỏ phiếu vòng hai, sẽ diễn ra vào ngày 22/11 tới.
Với những kết quả điều tra sơ bộ cho tới thời điểm này, sẽ xảy ra hai khả năng. Thứ nhất, ông Scioli, nếu tập hợp được đủ 40% phiếu ủng hộ và hơn 10% so với ông Macri thì ông này sẽ thắng ngay từ vòng một. Cả hai ứng cử viên này đều đang chạy đua hết tốc lực để có thể thu hút tối đa lượng cử tri bỏ phiếu cho mình cũng như lôi kéo số phiếu của 10% các cử tri còn đang lưỡng lự. Các điều tra đều cho thấy số phiếu của cả hai ứng cử viên đều sát nút so với quy định nên trong những ngày qua phe đối lập đã bắt đầu cảnh báo khả năng xảy ra gian lận trong kiểm phiếu.
Khả năng thứ hai, ông Scioli không thắng được ông Macri, hai ứng cử viên này sẽ phải tham gia bỏ phiếu vòng hai, lần đầu tiên trong lịch sử Argentina. Trong vòng này những người ủng hộ ông Massa sẽ ủng hộ cho ông Scioli do bất đồng về quan điểm chính trị với ông Macri.
Với giả thiết này, ông Scioli sẽ giành chiến thắng. Trong trường hợp ông Massa giành vị trí thứ hai trong vòng một, những người ủng hộ ông Macri chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông Massa vì tư tưởng đối lập với FpV và như vậy có khả năng ông Massa sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên cho tới hiện tại, khả năng này sẽ ít xảy ra.
Có thể nhận định rằng, nếu không có đột biến, ông Scioli sẽ trở thành vị Tổng thống mới của nền kinh tế thứ ba Mỹ Latinh trong 4 năm tới. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ông Scioli có thắng ngay từ vòng một hay không.
Không được hưởng “tuần trăng mật”Ông Scioli, 58 tuổi, từng giữ chức Phó Tổng thống dưới thời cố Tổng thống Néstor Kirchner (2003-2007) và là chồng của đương kim Tổng thống Cristina Fernandez. Trong chiến dịch bầu cử, bà Cristina luôn kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Scioli. Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, hiện uy tín của bà Fernandez ở mức rất cao tuy nhiên Hiến pháp Argentina không cho phép một Tổng thống được làm liên tục 3 nhiệm kỳ, do đó bà Cristina sẽ không được tham gia tái cử.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Scioli khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các chương trình của Chính phủ hiện nay. Ông cho biết sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc cách mạng nào với khẩu hiệu “phát triển là kế thừa và phát huy”, tuy nhiên cũng nhấn mạnh sẽ sửa đổi những gì cần thiết.
Theo các cố vấn kinh tế của ông Scioli, từ nhiều năm nay, Argentina đã vận dụng chính sách “phân phối để phát triển, lấy tiêu dùng làm trọng tâm” nhưng tới đây chính sách được áp dụng sẽ là “tăng trưởng để phân phối, tập trung thu hút đầu tư”.
Ông Scioli khẳng định bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Mục tiêu của Argentina trong tương lai là thu hút 30 tỷ USD đầu tư mỗi năm để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm và cải thiện chất lượng sống của người dân. Theo thống kê của trường đại học Công giáo Argentina, khoảng 15 triệu người Argentina, chiếm 35% dân số, hiện đang được hưởng lợi trực tiếp nhiều chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.
Ông Marci, 56 tuổi, theo đường lối cánh hữu, là một doanh nhân giàu có và từng là Chủ tịch câu lạc bộ Boca Juniors nổi tiếng của Argentina. Sau 12 năm cầm quyền đất nước của vợ chồng Tổng thống Nestor và Cristina, với nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách kinh tế, xã hội cũng như đối ngoại, cử tri Argentina hiện rất chia rẽ do đó ông Marci cam kết sẽ tiến hành một cuộc cách mạng triệt để trong điều hành kinh tế vĩ mô, thay đổi hoàn toàn mô hình hiện nay, bị cáo buộc là quá bảo hộ làm cản trở kinh tế phát triển.
Về phần mình nghị sĩ Massa là người từng tham gia Nội các của cố Tổng thống Nestor và đã giữ chức Chánh văn phòng Nội các dưới thời bà Cristina. Ông Massa, rời Chính phủ vào năm 2013 để đứng ra thành lập Mặt trận Đổi mới (FR), chuẩn bị tham gia tranh cử chức Tổng thống lần này. Ông Massa là người theo Chủ nghĩa Peron (cựu Tổng thống Argentina) giống như liên minh FvP, tuy nhiên, ông này lại thuộc phe đối lập với FpV, theo Chủ nghĩa Kirchner.
Cho dù ai trong số 3 ứng cử viên tiềm năng trên giành thắng lợi trong kỳ bầu cử tới đây thì người đó cũng sẽ phải đương đầu với muôn vàn thách thức bởi liên minh cầm quyền và phe đối lập hiện đang có nhiều mâu thuẫn, tình hình kinh tế và xã hội cũng có nhiều khó khăn.
Kinh tế Argentina đang không tăng trưởng, thâm hụt ngân sách lớn do phải chi trả quá nhiều cho các chương trình phúc lợi xã hội, không thu hút được đầu tư, lạm phát lên tới 14,5% từ đầu năm tới nay, chính sách tỷ giá hối đoái với nhiều bất cập.
Argentina là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 20 tỷ USD. Từ nhiều năm nay Chính phủ của bà Cristina đã áp thuế xuất khẩu rất cao để bình ổn giá các mặt hàng nông phẩm trong nước và điều này gặp phải sự phản đối gay gắt của các điền chủ.
Bởi vậy, chính phủ mới sẽ phải thương lượng với các nhà xuất khẩu nông phẩm. Một thách thức khác cũng không kém phần cam go đó là đàm phán với các chủ nợ nước ngoài và đối đầu với tòa án Mỹ trong vụ kiện của các nhà đầu cơ, tạo thuận lợi cho Argentina tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Nếu ông Scioli thắng cử, ông sẽ trở thành vị Tổng thống rất quyền lực bởi FpV đang chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội và số thống đốc tỉnh thuộc đảng cầm quyền chiếm 2/3 tổng số thống đốc và thậm chí tại tỉnh Buenos Aires, địa phương có tầm ảnh hưởng nhất đất nước.
Ông Scioli cũng có quan hệ mật thiết với các tổ chức công đoàn, doanh nghiệp, truyền thông, xã hội và đặc biệt là Giáo hoàng Francis, quốc tịch Argentina. Ông Scioli sẽ khai thác những thuận lợi này để tiến hành cải cách kinh tế và đảm bảo tiếp tục phát huy những chính sách tiến bộ của Tổng thống Cristina.
Theo số liệu của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (BID), trong giai đoạn 2002-2013, 15 triệu người Argentina gia nhập tầng lớp trung lưu và 1 triệu người gia nhập tầng lớp thượng lưu. Argentina là quốc gia có tỷ lệ người nghèo thấp nhất Mỹ Latinh chỉ chiếm 4,7% dân số.