Ngày 5/5, Nhóm tiếp xúc quốc tế về tình hình Libi họp tại Rôma (Italia) đã nhất trí về kế hoạch thiết lập một quỹ đặc biệt hỗ trợ tài chính cho lực lượng đối lập tại Libi. Ngoại trưởng Italia Franco Franttini cho rằng, quỹ được gọi là "Cơ chế tài chính tạm thời" này là kênh hiệu quả và minh bạch để hỗ trợ tài chính cho lực lượng đối lập tại Libi.
Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (TNC) thuộc phe đối lập ở Libi cho biết phe này cần khoản vay 3 tỷ USD để đáp ứng các nhu cầu cấp bách như thuốc men và thực phẩm.
Đoàn người đi lánh nạn xếp hàng dài tại cảng Misrata của Libi. Ảnh: AFP - TTXVN |
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Franttini, một vấn đề quan trọng cần được ưu tiên giải quyết, đó là những tài khoản ngân hàng của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi đang bị Mỹ phong tỏa cần được sử dụng vào các mục đích nhân đạo. Ông Franttini cho biết, hiện Italia và Pháp đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tìm giải pháp cho vấn đề này. Theo báo cáo, hiện EU và Mỹ đang phong tỏa số tài sản trị giá 60 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng và đầu tư của Libi ở nước ngoài.
Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Libi. Ngày 5/5, quân đội Libi đã tấn công mạnh vào cảng giao thông huyết mạch ở thành phố Misrata trong nỗ lực ngăn chặn con đường cung cấp hậu cần duy nhất cho lực lượng đối lập đang cố thủ tại đây.
Lực lượng an ninh và quân đội Xyri ngày 5/5 đã đột kích nhiều ngôi nhà và bắt giữ hơn 300 người ở thị trấn Saqba, ngoại ô thủ đô Đamát, nơi tuần trước diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Các nhân chứng cho biết, nhiều người bị thương trong các cuộc đột kích này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Bashar al-Assad cam kết sẽ sớm chấm dứt chiến sự ở thành phố miền nam Daraa, tâm điểm của các cuộc biểu tình chống chính phủ trong nhiều ngày qua.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã điện đàm với Tổng thống Assad, hối thúc ông này đưa ra các biện pháp cải cách chính trị, đồng thời hợp tác với một ủy ban của LHQ để điều tra về việc "giết hại" người biểu tình.
Biểu tình phản đối chính phủ Xyri tại thành phố cảng Banias. Ảnh: AFP - TTXVN |
Tại Ai Cập, cuộc đụng độ giữa hàng trăm người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Hosni Mubarak và những người đối lập tại trung tâm thủ đô Cairô trong ngày 5/5 đã làm hàng chục người bị thương.
Những người trung thành với cựu Tổng thống Mubarak đã tập trung bên ngoài trụ sở đài truyền hình quốc gia để kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 83 của ông Mubarak, đồng thời phản đối việc khởi tố nhà lãnh đạo này. Việc họ cho rằng ông Mubarak là một biểu tượng quốc gia cần được tôn trọng đã làm bùng phát cơn giận dữ của những người phản đối hiện đang đòi xét xử ông Mubarak vì đã ra lệnh giết hại người biểu tình. Đụng độ đã xảy ra khi hai bên ném đá vào nhau, khiến giao thông tại Cairô bị tê liệt. Quân đội Ai Cập đã được triển khai để giải tán người biểu tình và lập lại trật tự.
Ngày 5/5, hàng chục nghìn người đã tuần hành tại các thành phố lớn ở Yêmen để yêu cầu Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức sau hơn 30 năm cầm quyền. Tại tỉnh miền nam Aden, cuộc tổng đình công nhằm gây sức ép đối với Tổng thống Saleh đã khiến nhiều trường học, cửa hàng phải đóng cửa, giao thông bị tê liệt...
Cùng ngày tại thị trấn Zinjibar (miền nam Yêmen) đã xảy ra một vụ đánh bom nhằm vào một xe quân sự, làm 9 người thiệt mạng, trong đó có 5 binh sỹ và 4 dân thường, đồng thời làm bị thương hơn 20 người. Vụ nổ xảy ra gần khu chợ đông đúc ở thị trấn được coi là thành trì của nhóm phiến quân thuộc chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Yêmen vốn được coi là một trong những nơi hoạt động mạnh của Al-Qaeda và các vụ tấn công thường xuyên hiện nay của các phần tử cực đoan nhằm vào quân đội và người biểu tình đòi Tổng thống Saleh từ chức đang làm cho tình hình tại nước này ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Quang Minh