Với đầu đề trên, báo Độc lập (Nga) ngày 9/6 nêu một thực trạng dường như lúc này, tại các tỉnh miền đông Ukraine người ta chỉ coi Vladimir Putin mới thực là nhà lãnh đạo, bất chấp vị Tổng thống thứ 5 của họ- ông Petro Poroshenko vừa nhậm chức chỉ mới 2 ngày trước đây. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại lễ nhậm chức đã công bố về chuyến đi của ông đến Donbass rằng: "Tôi sẽ đến trong hòa bình, với ý định phân cấp quyền lực, và nhất quyết không có ý định phán xét ai đúng ai sai". Trong khi đó, các thủ lĩnh hai nước cộng hòa tự xưng, vốn là hai tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraine vẫn nhất quyết không công nhận tính hợp pháp của nhà nước Ukraine. Nhiều nhà quan sát tại Kiev thì tin rằng tương lai Ukraine vẫn sẽ phụ thuộc đáng kể vào quan điểm của Tổng thống LB Nga Putin.
Các hành động chống đối chính quyền vẫn tiếp diễn ở miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters |
Việc Đại sứ Nga Mikhail Zurabov tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Ukraine cũng được nhìn nhận như một tín hiệu tích cực. Ukraine trong khi cam kết khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Nga cũng hy vọng về thiện chí này của Nga, coi đó là một tín hiệu tích cực.
Bài báo cũng nhấn mạnh việc tân Tổng thống Poroshenko cam kết lập lại trật tự tại các tỉnh miền Đông chỉ trong vòng một tuần. Ông cam kết trao thêm quyền tự quyết nhiều hơn nữa cho các tỉnh miền đông, song nhất định duy trì "một nhà nước Ukraine đơn nhất". Tiếng Ukraine sẽ là ngôn ngữ quốc gia duy nhất, trong khi tiếng Nga vẫn được trao quy chế là ngôn ngữ chính thức. Điều này đã được Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine thông qua ngay trước thềm lễ nhậm chức của tân Tổng thống hôm 7/6 vừa qua.
Một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi các thành viên của các nhóm vũ trang ly khai nhanh chóng hạ vũ khí và hứa sẽ miễn trách nhiệm hình sự cho tất cả những người không phạm tội nghiêm trọng. Ông cũng hứa sẽ tạo một hành lang cho lính đánh thuê Nga tự rời bỏ hàng ngũ lực lượng ly khai. Ông nêu rõ chính quyền sẽ không đối thoại với những kẻ khủng bố nhăm nhăm gây nên nội chiến ở Ukraine, song Kiev sẵn sàng lắng nghe ý kiến người dân, kể cả đó là những ý kiến không trùng quan điểm với chính quyền.
Trong khi chính quyền Kiev ra sức kêu gọi lực lượng ly khai hạ vũ khí, thì các nhà lãnh đạo tự xưng của hai "nước cộng hòa tự xưng" Lugansk và Donetsk khẳng định rằng tình hình chỉ có thể xấu thêm, bởi ngay khi vừa nhậm chức, ông Poroshenko đã vội vã cầu viện sự giúp đỡ từ các nước NATO và phương Tây.
Được biết, đúng ngày nhậm chức của ông Poroshenko, Mỹ đã tuyên bố sẽ cung cấp bổ sung cho Ukraine 48 triệu USD để tăng cường an ninh biên giới.
Nhà phân tích chính trị Nga Taras Berezovets lưu ý rằng về mặt chính thức, Moskva không có mối quan hệ với lực lượng ly khai cũng như hai nước cộng hòa tự xưng, song trên thực tế, nếu không có sự tham gia của Nga, sẽ thật khó hy vọng vào việc các nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Ukraine sẽ hạ vũ khí. Trong khi đó, các nguồn tin khác nhau cho rằng có tới 80% dân số Donetsk muốn gia nhập LB Nga. Các nhà phân tích còn cho rằng người dân các tỉnh đòi ly khai thậm chí không muốn dừng lại ở việc tách khỏi Ukraine, họ còn muốn đi xa hơn. Đó là "giải phóng Ukraine từ tay các thế lực phát xit mới".
Rõ ràng, các nhà lãnh đạo ly khai không có ý định thay đổi quan điểm của mình sau khi Ukraine đã có một vị tổng thống hợp hiến. Lúc này, dường như chính quyền Kiev chỉ có thể hy vọng về một sự "thỏa hiệp sẽ đến trong các cuộc đàm phán chính thức", mà người ta hy vọng là nó sẽ được tổ chức với sự tham gia của Nga. Các nhà quan sát cũng ghi nhận không ít người đã tỏ ra nghi ngờ về quyền tự chủ nhiều hơn nữa mà chính quyền trung ương Ukraine cam kết trao cho các tỉnh miền đông.
Quế Anh