Báo Mỹ cáo buộc Trung Quốc, Nga nghe lén các cuộc gọi riêng tư của Tổng thống Trump

Theo báo New York Times, gián điệp Trung Quốc thường xuyên nghe lén Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông sử dụng chiếc iPhone cá nhân không được bảo mật để liên lạc với bạn cũ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump được khuyến khích sử dụng đường dây điện thoại bàn trong Nhà Trắng thường xuyên hơn, song ông một mực quyết không bỏ iPhone. Ảnh: New York Times

Theo báo trên, Cố vấn của Tổng thống Trump đã nhiều lần cảnh báo nhà lãnh đạo này rằng những cuộc điện thoại thực hiện trên di động cá nhân của ông không được bảo mật và tình báo Nga-Trung thường xuyên nghe lén các cuộc hội thoại.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Trump đã bỏ qua mọi lời khuyến cáo, tiếp tục sử dụng iPhone cá nhân. Lý do duy nhất mà tổng thống từ chối việc chỉ sử dụng đường dây điện thoại riêng của Nhà Trắng là do bất tiện và ông có thể dùng điện thoại cá nhân để giữ số liên lạc.

Mặc dù Tổng thống Trump cũng sở hữu hai chiếc điện thoại di động chính thức được Cơ quan An ninh Quốc gia cung cấp để đảm bảo vấn đề an ninh, ông kiên quyết giữ và sử dụng cái thứ 3 – là chiếc iPhone bình thường giống như hàng trăm triệu chiếc khác trên thế giới.

Nhà Trắng vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào về thông tin trên, trong khi Nga và Trung Quốc cũng chưa có bình luận.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump có 3 chiếc iPhone song ông vẫn thích dùng chiếc điện thoại cá nhân của mình để liên lạc. Ảnh: New York Times

Báo New York Times dẫn lời các cựu quan chức Mỹ giấu tên đưa tin nghe lén là chiêu thức Bắc Kinh áp dụng để tìm cách “xoay chuyển” chính sách của Mỹ. Tình báo Trung Quốc sẽ nghe hết các nội dung đối thoại để quyết định xem Tổng thống Trump nghĩ gì, ông ấy nghe lời ai và làm cách nào để tác động tới ông ấy. Cụ thể, mục đích nghe lén hiện giờ của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia tránh leo thang căng thẳng hơn.

Hồi tháng 6, tờ Washington Post đưa tin một nghiên cứu liên bang đã phát hiện các tín hiệu của một âm mưu nghe lén điện thoại phức tạp gần Nhà Trắng và các địa điểm nhạy cảm khác năm ngoái.

Nghe lén điện thoại là một trong những kỹ thuật tương đối dễ dàng đối với cơ quan tình báo chính phủ các nước. Theo tờ New York Times, các cơ quan tình báo Mỹ coi đó là công cụ cần thiết để do thám các nước khác. Họ thường xuyên bị tố cáo nghe lén các cuộc điện thoại của lãnh đạo cấp cao các nước. Tài liệu mà cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward J. Snowden từng tiết lộ cho thấy Chính phủ Mỹ đã nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Chính phủ các nước cũng nhận rõ nguy cơ này. Một số nhà lãnh đạo như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tránh sử dụng điện thoại di động khi có thể. Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng rất cẩn thận với chiếc di động của mình. Ông cũng dùng iPhone trong nhiệm kỳ thứ 2, song chiếc điện thoại này không thể gọi mà chỉ có thể nhận thư điện tử từ một địa chỉ đặc biệt dành cho ban cố vấn và thân cận của ông. Chiếc iPhone đó cũng không có camera chụp ảnh hay loa nói, cũng như không thể tải bất kỳ ứng dụng nào về.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Mỹ có những 'đòn' gì để trừng phạt Saudi Arabia vụ sát hại nhà báo Khashoggi

Các lệnh trừng phạt là một công cụ đã "cùn". Dưới đây mới là những gì Mỹ có thể làm để buộc những kẻ đứng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi phải trả giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN