Nhật báo Munchner Merkur ngày 15/7 đưa tin, chính phủ Đức đã bí mật chuyển một gói viện trợ mới cho Ukraine từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Tờ báo gọi lô hàng này là “khổng lồ”, nói thêm rằng nó được thực hiện một cách bí mật và “hầu như không gây chú ý”.
Sau khi phân tích dữ liệu của chính phủ, tờ Merkur cho rằng, gói vũ khí trên bao gồm 39 loại xe thiết giáp hạng nặng khác nhau từ kho của quân đội Đức và các doanh nghiệp quốc phòng của nước này. Tờ Merker cũng cho biết, Kiev đã nhận thêm 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 và 20 xe chiến đấu bộ binh Marder (IFV), cùng nhiều khoản viện trợ bổ sung khác.
Theo dữ liệu mở do nội các của Thủ tướng Olaf Scholz công bố, tổng số xe tăng Leopard 1A5 và xe tăng Marder IFV được giao cho Ukraine đã lần lượt tăng lên 50 và 120 chiếc.
Các thiết bị hạng nặng khác trong đợt giao hàng mới nhất bao gồm nhiều loại phương tiện kỹ thuật và rà phá bom mìn. Gói hàng này còn bao gồm 55.000 viên đạn pháo 155mm.
Dữ liệu mà tờ Merkur phân tích cũng cho thấy Berlin có kế hoạch gửi thêm 85 xe tăng Leopard 1A5 tới Ukraine vào một thời điểm chưa xác định, như một phần của dự án chung với Đan Mạch. Các đợt giao hàng trong tương lai cũng sẽ bao gồm thêm 20 chiếc xe chiến đấu bộ binh (IFV) Marder.
Merkur đưa tin Berlin đã lên kế hoạch cung cấp tới 80 chiếc xe tăng Leopard cho Ukraine vào cuối năm 2023 nhưng bị chậm tiến độ do ngành công nghiệp quốc phòng nước này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho các xe thiết giáp.
Theo tờ báo, Kiev vẫn đang hy vọng có đủ xe tăng Đức để thành lập một lữ đoàn chuyên biệt cho các hoạt động tấn công và không còn “kìm chân” các xe tăng phương Tây còn lại như nhiều tháng qua.
Quân đội Nga trước đó đã công bố nhiều video cho thấy xe tăng Đức bị tiêu diệt bằng thiết bị bay không người lái tấn công tự sát hoặc thậm chí bị lính Nga thu giữ sau khi kíp lái bỏ rơi xe.
Lô vũ khí mới nhất còn bao gồm hai hệ thống phòng không IRIS-T trên mặt đất và ba bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS do Mỹ sản xuất. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius từng tuyên bố Berlin sẽ trả tiền cho việc chuyển giao cho Ukraine các hệ thống phòng do Mỹ sản xuất.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức đã nổi lên là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột, chi khoảng 10,2 tỷ euro (11,14 tỷ USD) để cung cấp vũ khí cho Kiev từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2024. Berlin cho biết khoảng 28 tỷ euro (30,5 tỷ USD) đã được cung cấp để hỗ trợ Kiev trong hiện tại và trong những năm tới.
Vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Scholz thừa nhận rằng nhiều người Đức không hài lòng với sự hỗ trợ quân sự của nước này dành cho Ukraine, khiến tỉ lệ ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả giảm mạnh ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, ông Scholz vẫn khẳng định rằng không có giải pháp thay thế nào ngoài việc trang bị vũ khí cho Kiev.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD vào cuối tháng 6, Thủ tướng Scholz cho biết đảng SPD của ông gần đây đã phải chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Theo ông, SPD chỉ nhận được 7% sự ủng hộ ở một số vùng ở miền đông nước Đức, nơi có truyền thống thể hiện quan điểm tích cực hơn đối với Nga.
Trong khi đó, hôm 10/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ “không bao giờ” có đủ vũ khí và Kiev đang cần trên 100 chiếc F-16 để có thể đối phó với Nga. Tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington D.C trong tuần trước, ông Zelensky đã đẩy mạnh nỗ lực vận động Mỹ và các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine đi kèm với việc mở rộng giới hạn sử dụng các loại vũ khí tầm xa của phương Tây.
Nhà lãnh đạo Zelensky nói rằng số lượng máy bay chiến đấu F-16 do các nhà tài trợ phương Tây cam kết là không đủ. Theo ông, Nga sử dụng khoảng 300 máy bay phản lực trong cuộc xung đột Ukraine, trong khi Kiev sẽ chỉ có thể triển khai 10 đến 20 chiếc F-16 trong thời gian tới. “Ngay cả khi chúng tôi có 50 thì cũng chẳng là gì. Họ có 300”, ông Zelensky nói. Theo ông, để phòng thủ, Ukraine sẽ cần một phi đội gồm 128 chiếc F-16 để cân bằng với Nga.
Ông Zelensky cũng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để chống lại các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, đồng thời chuyển giao cho Kiev khả năng tấn công tầm xa tốt hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 5, chính quyền Tổng thống Biden đã sửa đổi chính sách hạn chế sử dụng vũ khí của Mỹ bên trong những khu vực mà Mỹ công nhận là lãnh thổ của Nga, nhưng sẽ không cho phép tấn công tầm xa.
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng việc này chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả.