Theo báo cáo dựa trên dữ liệu giám sát vệ tinh, từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021, rừng Đại Tây Dương trải dài về phía bờ biển miền Đông của Brazil đã mất 21.642 hecta diện tích che phủ, tăng 2/3 so với một năm trước đó
Tổ chức SOS Mata Atlantica nêu rõ diện tích rừng bị chặt phá tương đương kích thước của hơn 20.000 sân bóng đá và đã khiến khoảng 10,3 triệu tấn CO2 phát thải vào bầu khí quyển.
Người phát ngôn của SOS Mata Atlantica, ông Luis Guedes Pinto, nhấn mạnh tổ chức này không dự kiến rừng Đại Tây Dương bị chặt phá trên một diện tích lớn đến như vậy vì cho rằng vùng rừng này được quản lý chặt chẽ hơn so với nhiều khu vực khác ở Brazil. Số liệu trên cho thấy rừng Đại Tây Dương cũng đang phải hứng chịu tác động của việc bãi bỏ các chính sách và quy định về môi trường.
Ông Pinto nhấn mạnh thêm rằng phá rừng là một thảm họa không chỉ đối với Brazil mà còn đối với cả thế giới. Nghiên cứu cho thấy rừng Đại Tây Dương là một trong những quần xã sinh vật cần phải được khôi phục khẩn cấp nếu thế giới muốn đạt được được mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C như đã đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo các số liệu thống kê chính thức, kể từ năm 2019, diện tích rừng Amazon ở Brazil bị tàn phá trung bình hằng năm đã tăng 75% so với thập kỷ trước.
Giới chuyên gia nhận định rằng tương tự Amazon - vốn được mệnh danh là "lá phổi xanh" của thế giới, rừng Đại Tây Dương của Brazil cũng là một vùng đệm quan trọng chống biến đổi khí hậu và là một hệ sinh thái then chốt giúp đảm bảo nguồn cung lương thực, nước uống và thủy điện.