Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh thời gian gần đây, châu Âu đang đối mặt với làn sóng tái bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tình hình dịch bệnh đặc biệt phức tạp ở các nước Anh, Tây Ban Nha và Pháp, những quốc gia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện số các ca nhiễm mới hằng ngày ở nhiều nước đều cao hơn đáng kể so với tháng 3 và tháng 4, sau khi phần lớn các biện pháp hạn chế được nới lỏng trong mùa Hè. Nhiều khu vực ở châu Âu đang buộc phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế khác nhau, nhưng hầu hết các nước đều cố gắng tránh áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ hai này, tác giả gợi ý các chính phủ tại châu Âu nên học hỏi các bài học thành công từ một số nước, trong đó phải kể đến Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt.
Về Việt Nam, bài viết cho rằng tổng số ca mắc COVID-19 hiện ở mức hơn 1.122 người là một con số rất thấp so với tổng dân số gần 100 triệu người. Tác giả đánh giá cao những biện pháp phòng dịch từ sớm của Việt Nam như các cơ quan y tế đã áp dụng chiến thuật xét nghiệm có mục tiêu, tập trung vào những cá nhân có nguy cơ cao và vào các tòa nhà và khu dân cư có các ca nhiễm được xác nhận. Việc triển khai truy dấu rộng rãi, nhằm xác định những người có nguy cơ phơi nhiễm bất kể có hay không có triệu chứng và thiết lập các cơ sở cách ly cho những người bị nhiễm bệnh và du khách quốc tế nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng cũng là những biện pháp hiệu quả mà bài viết đã dẫn chứng.
Bài viết phân tích do đã từng trải qua đợt dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) và cúm gia cầm, nhiều nước châu Á đã sớm nhận biết được mối đe dọa của COVID-19. Ngoài ra, nhiều quốc gia đã sớm thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội. Xét nghiệm có mục tiêu, tuyên truyền thông tin và sự tham gia của cộng đồng cũng là những yếu tố rất quan trọng trong việc ứng phó với COVID-19.