Toàn cảnh ngọn núi Mont-Blanc trên dãy Alps tại Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đây, hiện tượng tuyết tan thường xảy ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên băng tan sớm hơn gần một tháng so với thông thường. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà nghỉ trên núi vốn phụ thuộc vào lượng nước tan ra từ tuyết trên sườn núi. Các nhà nghỉ này không có bể chứa nước nên nếu dòng chảy từ trên núi xuống bị cạn kiệt, họ sẽ không có đủ nước để phục vụ khách leo núi và buộc phải đóng cửa.
Cô Noemie Dagan, người trông coi trạm nghỉ Selle ở độ cao 2.673m thuộc dãy Ecrins, cho biết cả vùng hiện đang trong tình trạng khô kiệt giống như thời điểm giữa tháng 8/2023. Trong suốt 15 năm làm việc ở khu vực này, Dagan chưa từng chứng kiến quá trình biến đổi nào sâu sắc đến vậy. Để ứng phó với thực trạng này, Dagan đã lắp một đường ống nhựa dài khoảng 1km dẫn nước từ sông băng gần đỉnh Pic de la Grave xuống trạm nghỉ Selle. Tuy nhiên, địa hình đặt đường ống rất dốc, không ổn định và dễ bị tác động bởi những cơn bão ngày càng mạnh.
Đáng chú ý, những vùng băng tuyết vĩnh cửu trước đây nay cũng đang bắt đầu tan chảy vào mùa Hè, trong khi mưa ngày càng khan hiếm khiến hình dạng các sông băng bị thay đổi. Tất cả những yếu tố này đang gây xáo trộn nghiêm trọng nguồn cung nước cho các trạm nghỉ trên núi.
Một ví dụ điển hình là sông băng Bossons đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng. Sông băng này trải dài từ đỉnh Mont Blanc xuống thung lũng Chamonix. Việc Bossons tan chảy đã trở thành biểu tượng nhắc nhở con người về tình trạng các sông băng trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo các nhà khoa học, tác động của biến đổi khí hậu tại dãy Alps nghiêm trọng hơn 2 lần so với mức trung bình toàn cầu. Đến năm 2100, các sông băng tại đây có thể chỉ còn lại những dấu tích cuối cùng hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn.
Ngoài ra, nắng nóng cực đoan cũng khiến 1.400 sông băng tại Thụy Sĩ rơi cảnh báo động. Giới chức nước này cho biết tuyết và băng hiện tan sớm hơn bình thường từ 5-6 tuần.